Tỉ lệ nhập học tăng nhưng không bền vững
Ngày 19/9, tại Diễn đàn giáo dục: Báo cáo phân tích ngành giáo dục, PGS.TS Trần Thị Thái Hà – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện KHGDVN công bố nhiều kết quả tiến bộ của bậc giáo dục phổ thông Trong 5 năm học 2011 đến 2015, tỉ lệ nhập học của học sinh tiểu học (TH) trên toàn quốc đạt hơn 100%. Tuy nhiên, giữa các vùng và xu thế trong cả nước có tỉ lệ khác nhau. Số học sinh nhập học chung cấp THCS có xu hướng tăng tương đối mạnh từ 90,84% năm học 2010 – 2011 lên 93,47% năm học 2014 – 2015.
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) số học sinh đến trường cao nhất cả nước và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi ấy, tỉ lệ nhập học chung cấp THPT trên toàn quốc tương đối thấp (so với TH và THCS), chỉ đạt 63,38% năm học 2014 – 2015. “Tỉ lệ nhập học bậc TH đã tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong chiến lược phát triển phổ thông (CLPTGD) giai đoạn 2016 – 2020. Giáo dục THCS, nếu vẫn giữ độ phát triển như vừa qua có thể hy vọng đạt 95%. Tuy nhiên, năm học 2014 – 2015 dấu hiệu bỏ học bắt đầu tăng. Riêng THPT rất khó đạt được 80% vì từ nay đến năm 2020 chỉ còn 2 năm không thể tăng trưởng nhảy vọt tới 15%” – bà Thái Hà nhận định.
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh đang trao đổi với phóng viên về cách học phát triển năng lực. Ảnh: Thủy Trúc. |
Bà Thái Hà chỉ ra việc mặc dù ngành giáo dục cũng như toàn xã hội đã có nhiều nỗ lực huy động trẻ em đến trường nhưng vẫn có một số rào cản ảnh hưởng. Sự nghèo khó, hoàn cảnh kinh tế gia đình, chi phí học tập ngày càng cao là ảnh hưởng chính đến tiếp cận giáo dục. Thứ hai, là trẻ em lao động sớm. Ở các vùng phát triển những khu công nghiệp (KCN) mới, có tình trạng các DN chấp nhận người lao động tuổi 15, 16, 17. Học càng cao thất nghiệp càng nhiều, khiến cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn chấp nhận cho con nghỉ học đi làm kiếm tiền. Di dân tự do cũng là rào cản tiếp cận giáo dục. “Khảo sát của chúng tôi, Hà Nội có 9 KCN mới, chỉ có 3 khu có trường học” – bà Thái Hà cho biết.
Khuyến nghị điều chỉnh chỉ tiêu tiếp cận giáo dục
Báo cáo cũng chỉ ra việc dạy và học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở 18 trường được khảo sát ở Hà Nội, Gia Lai và Long An. Theo đó, học sinh TH có khả năng tự ghi lại thông tin, kiến thức cần thiết từ sách giáo khoa, sách tham khảo, tự thực hiện được các nhiệm vụ cá nhân trên lớp. Tuy nhiên, việc sử dụng tài liệu từ mạng internet của các em còn hạn chế. Năng lực tự học của học sinh THCS và THPT khá tốt, các em tự giác thực hiện những nhiệm vụ thầy cô giáo, biết tìm kiếm và sự dụng tài liệu thích hợp từ mạng internet. Học sinh THCS và THPT với những vấn đề chưa rõ, chưa biết hay mang tính mới, sáng tạo thì khả năng giải quyết vấn đề của các em còn hạn chế nhiều. Các hoạt động để học sinh tham gia phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở mức bình thường.
Trong khi học sinh tiểu học có hợp tác khá tốt với điểm trung bình là 3.3/4 thì học sinh cấp 2 và 3 chỉ ở mức tương đối khá (trung bình 2,7/4 điểm). “Thực tế việc tổ chức các hoạt động phát triển năng lực hợp tác còn chưa hiệu quả” – bà Thái Hà khẳng định. Theo bà Thái Hà, giáo dục phổ thông giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận thể hiện ở kết quả các cuộc thi, đánh giá quốc gia và quốc tế. Thế nhưng vẫn còn có một số vấn đề đặt ra cần giải quyết. Vì thế, báo cáo khuyến nghị ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông đặc biệt cho các vùng khó, trẻ em thiệt thòi để đảm bảo hoà nhập và công bằng giới. Phát triển giáo dục chú trọng chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”. Các hoạt động đổi mới dạy và học cần gắn với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện của các cấp quản lý, giáo viên. Đồng thời gắn với các điều kiện thực hiện ở nhà trường. Cũng như đa dạng hoá phương thức tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Đặc biệt báo cáo khuyến nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu của CLPTGD giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, xem xét khả năng thực hiện tỉ lệ đi học đúng độ tuổi của THCS (đạt 95% vào năm 2020) và mục tiêu 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn phổ thông và tương đương. Bởi thời gian gần đây, mặc dù tỉ lệ bỏ học ở THCS và THPT tuy giảm nhưng vẫn còn cao và thiếu bền vững. Ở một số vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long học sinh bỏ học có dấu hiệu tăng. Nếu thực hiện được chỉ tiêu này, cần có giải pháp mạnh và nâng cao hiệu quả hướng nghiệp, thu hút thanh niên trong độ tuổi THPT vào các loại hình khác nhau.