Nhiều vấn đề nóng hổi đặt ra
Nền giáo dục của Việt Nam và ngành giáo dục Thủ đô 65 năm qua có nhiều thành tích đáng tự hào. Song còn đó mối lo và điều trăn trở khi bên cạnh rất nhiều tấm gương nghĩa hiệp, thông minh khả ái, rất đáng nể trọng lại có những thanh thiếu niên sống thiếu nhân tính, xa rời quốc tính và nhạt nhòa cá tính.
Từ nhận định này, tại Hội thảo quốc gia “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội” do Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Giáo dục giá trị sống, tổ chức rèn luyện cho thanh niên, sinh viên sống xứng đáng với hệ giá trị trong nền văn hóa truyền thống cao cả của dân tộc và cập nhật với các bàn luận về văn hóa tiên tiến của thời đại đang là điều cấp thiết cho toàn bộ nền giáo dục của đất nước, trong đó có Thủ đô.
Giáo dục giá trị sống, tổ chức rèn luyện cho thanh niên, sinh viên sống xứng đáng với hệ giá trị trong nền văn hóa truyền thống cao cả của dân tộc. Vì thế, trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần xây dựng chương trình giá trị sống của người Hà Nội, để sau này sinh viên ra trường có sự hiểu biết và phát huy. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ |
Cũng bàn về câu chuyện giá trị sống, PGS.TS Nguyễn Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhận định, những năm tháng qua, nhất là 30 năm đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh nhưng chúng ta không thể lường hết được nhiều chuẩn mực giá trị sống. Nhất là khi hiện nay đang có tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.
Thực tế đã cho thấy, giới trẻ luôn đem lại những điều mới lạ, cá tính và sáng tạo trong công việc cũng như cách ứng xử. Song nhiều khi cái mới, cái lạ ấy lại trở nên phản cảm, làm hoen ố thuần phong mỹ tục của xã hội, cộng đồng, dân tộc, vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nhiều khi các hành vi lệch chuẩn lại được giới trẻ quan tâm, ủng hộ như trường hợp Khá Bảnh, Phúc XO... Cũng có không ít các hành vi lố bịch, phản cảm được giới trẻ bắt chước, làm theo như mốt thời thượng như ăn mặc hở hang khi ra đường, đến đền chùa; nói tiếng lóng...
Bởi vậy, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống là vấn đề được đặc biệt quan tâm và được đặt ra khi ngành giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học mới với yêu cầu. dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai có hiệu quả.
Giáo dục nét đặc sắc riêng của Hà Nội
Giáo dục trong nhà trường là nơi hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Vì thế, PGS Nguyễn Văn Cương cho rằng, giáo dục giá trị sống cho học sinh phải bắt đầu từ lứa tuổi lớp mẫu giáo đến ĐH. Nhất là Thủ đô, sinh viên phải mang được những đặc sắc, nét riêng của Hà Nội mà các TP khác không có được như thanh lịch, nho nhã, tinh tế.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, 10 năm qua, Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” do Sở biên soạn đã được giảng dạy trong trường phổ thông ở Thủ đô. Bộ tài liệu có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục đạo đức, giá trị sống mang bản sắc Hà Nội. Từ những học sinh không ở trung tâm Thủ đô cho đến các em vùng ngoại thành xa xôi đều có ý thức trong giao tiếp ứng xử; quan hệ gia đình cũng được chú ý và thay đổi. “Trong điều kiện đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chúng tôi đã trình TP quyết định xem xét, điều chỉnh nội dung cho phù hợp để dạy giá trị sống cho học sinh Hà Nội ngày càng tốt hơn” - ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Đánh giá rất cao sự cố gắng của TP và ngành giáo dục Thủ đô biên soạn Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh”, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Giáo trình nào cũng phụ thuộc vào hai yếu tố. Đầu tiên, người dạy phải sống với nó, ngấm dần những giá trị và biến điều họ mong muốn để truyền lửa cho học trò. Thứ hai, phải có nhiều hoạt động xã hội, thực tiễn để lôi cuốn học sinh.
“Tới đây, khi tuyến phố đi bộ Hà Nội được hoạt động cả tháng, các trường học nên đưa học sinh đến trải nghiệm những khả năng của mình hoặc tham gia chương trình nông thôn mới, hoạt động ở khu phố để các em tạo ra giá trị bản thân” - TS Tùng Lâm nêu ý tưởng.
Giáo dục giá trị sống cho học sinh phải bắt đầu từ người thầy. Đặc biệt, để thực hiện sứ mạng kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã và đang Hà Nội hóa và quốc tế hóa đồng bộ các thành tố quá trình đào tạo.
“Là nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, chúng tôi xác định phần lớn sản phẩm đào tạo của trường đã và sẽ là những công dân của Thủ đô, sống và làm việc vì sự phát triển của Hà Nội. Vì thế, văn hóa và bản sắc của Hà Nội phải in đậm dấu ấn trong quá trình đào tạo của nhà trường” - Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội PGS.TS Bùi Văn Quân thông tin. Thực tế, nhiều năm nay, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã lấy “Hà Nội học” làm môn tự chọn và hàng năm có tới 400 sinh viên các ngành đăng ký học.