Giáo dục trung học bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Năm học 2020-2021, mạng lưới trường, lớp, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết dạy học của cấp trung học cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Năm học 2021-2022 vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngành Giáo dục luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm…” - các nội dung này được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 12/8.

Giáo dục đại trà và mũi nhọn đều đạt chất lượng
Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học/kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường, theo hướng dẫn của công văn 4612/BGDĐT-GDTrH (ngày 03/10/2017). Theo đó, các nhà trường đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của cơ sở; điều chỉnh, tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh.
Việc sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học trong các nhà trường đã trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó nhiều bài học/chủ đề minh họa qua sinh hoạt chuyên môn đã được xây dựng và tổ chức dạy học. 
Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Các cơ sở giáo dục trung học đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, giúp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19; cũng nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững.
 Nhiều học sinh bậc trung học đạt thành tích cao tại các kỳ Olympic quốc tế
Giáo dục mũi nhọn cũng đạt được kết quả tích cực. Điều này thể hiện qua kết quả học sinh tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. Cụ thể, mùa Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 01 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi và 02 dự án đoạt 03 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Từ các sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo CT GDPT 2018 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, 63 tỉnh, TP đã tổ chức lựa chọn sách theo đúng quy định của Thông tư số 25.
Chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục trung học năm 2020-2021 vẫn còn một số hạn chế, như: Chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữ các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng có nhiều khu công nghiệp, đặc biệt ở các môn học đặc thù như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ, Trải nghiệm - Hướng nghiệp... Tỷ lệ giáo viên/học sinh tại một số địa phương chưa bảo đảm; vẫn còn một số giáo viên chưa chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá; công tác giáo dục hướng nghiệp chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi do hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc lựa chọn sách giáo khoa và đăng ký mua sách giáo khoa tại một số địa phương còn thực hiện chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến công tác in ấn, phát hành sách tới tay học sinh.
 Năm học 2021- 2022 sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh phức tạp
Năm học 2021-2022 được xác định vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên mà giáo dục trung học đề ra cho năm học mới này là thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học được đặt mục tiêu phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.
Năm học này, cấp THCS sẽ lần đầu tiên thực hiện CT GDPT đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp CT GDPT 2018 đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.
Ngoài ra, phát triển đội ngũ nhà giáo; quy mô trường lớp, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS và chất lượng giáo dục trung học; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị trường học; thực hiện kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học cũng là các nhiệm vụ được giáo dục trung học đề ra cho năm học 2021-2022.
Năm học 2020-2021, cả nước có 8.257.154 học sinh trung học, trong đó cấp THCS là 5.743.171 và THPT là 2.513.983 em. Quy mô học sinh tương đối ổn định so với năm học 2019-2020.
Tham gia giảng dạy cho số lượng học sinh này là 522.320 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; trong đó, cấp THCS là 358.501, cấp THPT là 163.819. Đội ngũ này, so với năm học trước, có sự tăng về số lượng và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn (tăng lần lượt 2,8 và 0.8%, nâng tổng tỷ lệ “chuẩn hoá” cho đội ngũ giáo viên của hai cấp học lên mức 82,4 và 99,78%).
Hiện cả nước có 10.644 trường THCS với 151.505 lớp; trong đó 60,11% số trường đạt chuẩn quốc gia và 52,44% số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Cấp THPT có 2.543 trường với 59.686 lớp; trong đó 45,33% số trường đạt chuẩn quốc gia và 40,22% số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.