Quận Hoàng Mai

Giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh hùng LLVT, Trung tướng Nguyễn Đức Soát và 393 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, lực lượng tự vệ trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã tham gia buổi mít tinh do quận Hoàng Mai tổ chức.

Quang cảnh buổi mít tinh do quận Hoàng Mai tổ chức. Ảnh HM
Quang cảnh buổi mít tinh do quận Hoàng Mai tổ chức. Ảnh HM

Sáng 21/12, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận Hoàng Mai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và Giao lưu, gặp mặt truyền thống với nhân chứng lịch sử. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô, Hội Cựu chiến binh Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội; về phía quận có Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, lãnh đạo các phòng ban, 14 phường trên địa bàn.

Ký ức hào hùng

Trải qua 12 ngày đêm lịch sử đó, các xã: Định Công, Tương Mai, Yên Sở, Lĩnh Nam, Đại Kim… còn mang nặng những những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Xã Định Công (nay là phường Định Công) cận kề sân bay Bạch Mai, có các đơn vị bộ đội đóng ở cả 3 thôn như: Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (thuộc Sư đoàn 361) đóng tại Đình Thôn Thượng, đơn vị bộ đội thông tin đóng ở thôn Trại, có Nhà máy cơ khí Quang Trung, Ga Giáp Bát và gần đó là kho lương thực nằm bên quốc lộ 1.

Anh hùng LLVT, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân chia sẻ những thời khắc lịch sử của Hà Nội tại thời điểm 1972. Ảnh AT
Anh hùng LLVT, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân chia sẻ những thời khắc lịch sử của Hà Nội tại thời điểm 1972. Ảnh AT

Do đó, Định Công đã trở thành một trong những mục tiêu, đánh phá của địch. Suốt 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã ném xuống Định Công hàng chục tấn bom các loại, toàn xã có 1.240 trẻ em, 556 người già được sơ tán khỏi địa phương tránh tổn thất do địch đánh phá. Các gia đình trong xã đã đào đắp được 1.195 hầm chữ A, lấy hầm làm nhà và giường nằm, ven đường làng ngõ xóm có trên 800 hố cá nhân và có 5.710 mét giao thông hào.

Riêng đêm ngày 26/12/1972, địch đã thả xuống khu vực này 145 quả bom khiến 5 người chết, 3 người bị thương, 50 ngôi nhà bị sập đổ… Vào 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, máy bay B.52 trúng tên lửa của Tiểu đoàn 78 Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 rơi xuống cánh đồng Thôn Hạ (hài cốt của phi công được Chính phủ ta trao trả cho Mỹ ngày 30/9/1977), địa điểm xác máy bay rơi, nay được xây bia di tích chiến thắng B.52.

Máy bay Mỹ cũng đã thả bom xuống địa bàn phường Tương Mai, nơi phía đầu làng tiếp giáp với Bệnh viện Phòng không - Không quân, đã giết hại anh em, chú cháu, vợ chồng ông Phạm Duy Hà - là cha mẹ của chị Phạm Thị Viễn. Dịp ấy, nhà thơ Tố Hữu cũng đến thăm trận địa, thấy một nữ chiến sĩ ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn dải khăn tang, ông đã viết 4 câu thơ về chị, trong bài “Việt Nam máu và hoa”:

“... Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù

Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…

Người con gái ấy là chị Phạm Thị Viễn - công nhân nhà máy cơ khí Mai Động, người đã cùng khẩu đội cao xạ 14,5mm bắn rơi máy bay F-111 của giặc Mỹ. Chị là xạ thủ xuất sắc được tặng Huy hiệu Bác Hồ và đã được cử đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu tặng hoa các nhân chứng lịch sử. Ảnh HM
Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu tặng hoa các nhân chứng lịch sử. Ảnh HM

Anh hùng LLVT, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân đã chia sẻ những thời khắc lịch sử của Hà Nội tại thời điểm 1972. Nhân dân Hoàng Mai cùng Hà Nội vượt qua những thử thách nghiệt ngã để chiến thắng pháo đài bay B52 của Mỹ.

Tri ân thế hệ cha, anh

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm xúc động: “Trong giờ phút này, chúng ta thành kính tri ân đến lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào đồng chí đã anh dũng hy sinh trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của quê hương.

Chúng ta biết ơn sâu sắc đến các bậc lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công và bao thế hệ đồng bào, đồng chí đã tham gia chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, đóng góp sức người, sức của để đấu tranh, xây dựng và phát triển quận Hoàng Mai như ngày hôm nay”.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế và Đô thị, cựu chiến binh Hà Huy Liệu (85 tuổi, phường Mai Động) cho biết: “Tôi là tự vệ của Nhà máy Dệt 8/3 thuộc Trung đội bắn máy bay tầm thấp bằng súng trường CKC. 12 ngày đêm khốc liệt ấy không thể nào quên. Bao đồng đội tôi đã ngã xuống, bao người dân vô tội đã ra đi không bao giờ còn gặp lại người thân. Cám ơn quận Hoàng Mai đã tạo điều kiện cho những người trong cuộc chúng tôi gặp gỡ nhau sau nửa thế kỷ”.

Cựu chiến binh Hà Huy Liệu tại buổi lễ. Ảnh AT
Cựu chiến binh Hà Huy Liệu tại buổi lễ. Ảnh AT

Nhân dịp này, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận Hoàng Mai đã trao tặng 393 món quà những người đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm khói lửa cuộc chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Buổi mít tinh đã trở thành ''ngày hội'' của những người đã tham gia sự kiện lịch sử này với thế hệ sau, long trọng, đầy ý nghĩa có sức lan tỏa sâu rộng. Những thước phim lịch sử, những chia sẻ của người trong cuộc, những lời ca tiếng hát đã cho mọi người được sống lại những thời khắc không thể nào quên, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của những người lính năm nao.