Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo sư Carl Thayer: Cuộc chiến Nga - Ukraine có khả năng còn kéo dài

Tú Anh - Ngọc Lâm thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine là một bài toán khó đối với cộng đồng quốc tế, cùng với đó là các rủi ro về căng thẳng leo thang khi một trong hai bên tham gia cuộc chiến sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nhận định với báo Kinh tế & Đô thị nhân một năm chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Theo chuyên gia này, cuộc chiến đã để lại những tác động to lớn đối với trật tự quốc tế cũng như tình hình kinh tế thế giới, và khả năng sẽ còn kéo dài là hoàn toàn có thể diễn ra.

Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ chỉ dẫn đến sự phân cực hơn nữa

Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về tình hình chiến sự Nga - Ukraine kể từ khi bắt đầu 1 năm trước?

- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kỳ vọng một chiến thắng nhanh chóng khi ông ra lệnh triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường đã không thuận lợi như mong đợi của Nga, điều này buộc Moscow phải thay đổi các mục tiêu quân sự. Ở thời điểm bài viết này, giới phân tích quân sự phương Tây dự đoán Tổng thống Nga Putin có thể sẽ sớm phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn để có thể đạt được các bước tiến trên chiến trường và tiến tới tuyên bố một thắng lợi.

Giáo sư Carl Thayer.
Giáo sư Carl Thayer.

Vào dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến Nga - Ukraine, có vẻ như hai bên đã rơi vào thế bế tắc chiến lược giống như trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất. Nga có vẻ như chưa thể tiến hành đánh bại sớm các lực lượng vũ trang Ukraine và kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ.

Trong khi đó, Ukraine cũng không đủ nguồn lực để đẩy lui lực lượng Nga khỏi các vùng Donbas và Crimea.

Theo Giáo sư, cuộc chiến đã có tác động thế nào tới trật tự quan hệ quốc tế hiện nay?

- Về phía Nga, Tổng thống Putin từng nhận định việc NATO mở rộng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột. Mặt khác, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không chỉ thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước châu Âu và thành viên NATO, mà còn củng cố liên minh của họ với Mỹ. Sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu, Thụy Điển và Phần Lan đã xin gia nhập NATO.
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu xu hướng tiến tới đa cực và tạo ra sự phân cực, điển hình là việc Nga và Trung Quốc đã tuyên bố trở thành các đối tác không giới hạn.

Nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, liên minh phương Tây có thể sẽ khiến các mối quan hệ quốc tế trở nên ngày càng phân cực hơn thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những quốc gia hỗ trợ cho Nga bằng thương mại hoặc các cách thức khác.

Vậy những thay đổi này diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào, thưa ông?

- Các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều thể hiện lập trường phản đối cuộc chiến Nga - Ukraine.

Chiến sự tại Ukraine đã góp phần tạo ra mối liên kết chiến lược giữa châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các cường quốc lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các tài liệu chính sách chiến lược thể hiện sự liên hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và triển vọng kinh tế của họ đối với việc đảm bảo và duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hiện tại, sự chú ý của thế giới chủ yếu tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và tác động của chiến sự đối với an ninh năng lượng và lạm phát toàn cầu không chỉ ở châu Âu mà cả các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy Liên Hợp quốc và Hội đồng Bảo an cần nỗ lực phát huy vai trò hơn nữa trong tiến trình duy trì hòa bình.

Có ít nhất bốn kịch bản có thể xảy ra cho cuộc chiến

Theo ông, Ukraine và Nga có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong năm nay? Và các yếu tố cốt lõi dẫn đến một thỏa thuận hòa bình là gì?

- Theo tôi, khả năng cao sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán hoặc thỏa thuận trong năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, không bên nào cho thấy dấu hiệu cạn kiệt, trong khi các mục tiêu mà Nga và Ukraine tìm kiếm hoàn toàn trái ngược nhau.

Moscow muốn Ukraine đầu hàng và công nhận sự sáp nhập các vùng lãnh thổ của nước này vào Liên bang Nga, đồng thời không chấp nhận sự hiện diện quốc tế ở Ukraine.

Ngược lại, Kiev muốn quân đội Nga rút khỏi vùng Donbas và Crimea, và sau đó muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, cũng như nhận được sự bảo vệ của NATO khi nước này đàm phán về tư cách thành viên.
Những chiến dịch tấn công sắp tới của Nga và kế hoạch phản công của Ukraine sẽ là những điểm thử nghiệm lớn về năng lực của mỗi bên nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal. Ảnh: AP
Khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal. Ảnh: AP

Đâu là các kịch bản tiềm năng của cuộc chiến, thưa ông?

- Có ít nhất bốn kịch bản có thể xảy ra cho cuộc chiến ở Ukraine:

Thứ nhất, bế tắc kéo dài nhưng không có cách giải quyết - không bên nào có thể đánh bại bên kia và cuộc xung đột chuyển sang một mô hình có thể đoán trước là bùng nổ các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và UAV (máy bay không người lái).

Thứ hai, bế tắc kéo dài với thỏa thuận ngừng bắn - tương tự như tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày nay. Theo đó, các bên đạt được một lệnh ngừng bắn (đình chiến), dẫn đến xung đột vũ trang lắng xuống, nhưng các cuộc đàm phán không thể kết thúc bằng một giải pháp chính trị lâu dài.

Diễn biến này sẽ làm gia tăng nguy cơ căng thẳng phát sinh theo thời gian.
Thứ ba, Nga thất trận - kinh tế Nga suy yếu, quân đội Nga cạn kiệt, xung đột lắng xuống, và Moscow rút dần quân đội khỏi Ukraine.

Thứ tư, Ukraine đầu hàng - do hậu quả của cuộc xung đột kéo dài khiến cơ sở hạ tầng và xã hội Ukraine bị phá hủy. Hỗ trợ vũ khí của phương Tây giảm sút và Chính phủ Ukraine dần mất đi lãnh thổ.

Ngoài ra, áp lực từ cộng đồng quốc tế có thể dẫn đến một dàn xếp thương lượng phức tạp được giám sát bởi một lực lượng quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

"Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ chỉ dẫn đến sự phân cực hơn nữa của hệ thống quốc tế và sự bất ổn ở các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chững lại, cũng như trì hoãn quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine là một bài toán khó đối với cộng đồng quốc tế, cùng với đó là các rủi ro về căng thẳng leo thang khi một trong hai bên tham gia cuộc chiến sở hữu vũ khí hạt nhân." - Giáo sư Carl Thayer