“Nóng” các tuyến liên tỉnh
Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 4/5 tại các tuyến đường dẫn vào nội đô như QL6, 1A cũ, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng… đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Điển hình như tại ngã tư Tân Xuân – Phạm Văn Đồng có những thời điểm lượng phương tiện (chủ yếu là xe máy) hướng từ tầng 1 cầu Thăng Long đi Phạm Văn Đồng tăng đột biến tạo ra xung đột giao thông giữa các phương phương tiện di chuyển theo hướng cầu Thăng Long vào nội đô khiến khu vực này đôi lúc rơi vào tình trạng ùn ứ.
Trong khi đó, ở các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình… lượng phương tiện đổ về bến tuy có cao hơn so với những ngày bình thường, tuy nhiên, nhiều hành khách đã chủ động đi từ những ngày trước đó để tránh bị nhồi nhét. Cùng với việc một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP đã bắt đầu làm việc từ ngày 2/5 nên số lượng hành khách về bến không lớn như dự kiến. Do đó, tình trạng ùn ứ khách trong khu vực nhà chờ của các tuyến xe đi các quận, huyện đã không diễn ra. Tuy nhiên, thay vào đó là tình trạng ùn ứ ở khu vực xếp khách của các chuyến xe đi các tỉnh lân cận.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Bến xe Mỹ Đình, trong khu vực xếp khách của xe khách chạy tuyến Hòa Bình, Điện Biên, mặc dù 18 giờ 30 xe mới chuyển bánh nhưng từ khoảng 17 giờ, hành khách đã ngồi kín
xe. Trong khi đó, tại khu vực xếp khách của xe khách Hiển Vinh, chạy tuyến Hà Nội – Hòa Bình lúc nào cũng có hơn chục hành khách xếp hàng chờ xe. Thế nhưng, xe thì ít, người thì đông nên tình trạng nhiều hành khách phải chờ 2 – 3 lượt mới lên được xe diễn ra khá phổ biến.
Đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân
Liên quan đến tình trạng ùn ứ hành khách trong khu vực xếp khách của các tuyến xe liên tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, bến xe đã yêu cầu các đơn vị vận tải liên tỉnh bố trí xe, chạy tăng cường để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, có những thời điểm cầu vượt quá cung, xe lưu thông trên những tuyến đường đông chưa kịp về bến nên tình trạng ùn ứ đôi khi vẫn xảy ra. Cũng theo ông Tuấn, để đảm bảo nhu cầu đi lại, quyền lợi của mình, các hành khách khi đi xe nên vào bến mua vé để bến xe nắm được nhu cầu vận tải, kịp thời bố trí xe tăng cường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vi Hòa – Đội phó Đội Thanh tra GTVT quận Bắc Từ Liêm cho biết, mặc dù là ngày cuối cùng trong dịp nghỉ lễ, tuy nhiên, mật độ phương tiện tham gia giao thông trong ngày 4/5 không có nhiều đột biến so với những ngày trước đó. Để đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc giao thông, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức chốt trực phân làn giao thông ở các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc như ngã tư Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, Phạm Văn Đồng – Tân Xuân… để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng quan điểm với ông Hòa, ông Nguyễn Hồng Thái – Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đơn vị phụ trách các tuyến đường cửa ngõ phía Nam TP cho biết, so với những ngày trước đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông trong ngày hôm nay tuy có đông nhưng chưa đến mức xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, theo ông Thái, theo dự kiến đến cuối giờ chiều lượng phương tiện sẽ tăng lên thì tình trạng ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, hiện tại, Đội đã yêu cầu các chiến sĩ tăng cường chốt trực tại những khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc như nút Pháp Vân - Giải Phóng; Giải Phóng – Nguyễn Hữu Thọ…
![]() Lượng khách đổ về Bến xe Mỹ Đình không đông như dự kiến.
|
Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội cho biết, trong ngày 3, 4/5 tại các bến xe trực thuộc có 3.109 xe tham gia vận tải hành khách, đảm bảo nhu cầu đi lại của 58.620 hành khách. Trong đó, Bến xe Giáp Bát có 1.156 xe, vận tải 21.847 hành khách; Bến xe Gia Lâm 659 xe, vận tải 7.962 hành khách; Bến xe Mỹ Đình 1.294 xe, vận tải 28.784 hành khách. |