Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao thương Việt Nam - Nhật Bản: Khởi sắc nhờ Hiệp định thương mại tự do

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam và Nhật Bản có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam hiện đã được giảm thuế. Điều này đã và đang tạo thuận lợi cho DN hai bên đẩy mạnh giao thương.

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm thị trường Việt Nam

Chia sẻ thông tin xuất khẩu hàng hóa của các DN Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, Giám đốc dự án Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Yasunaga chia sẻ, xuất khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2001, xuất khẩu vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, đến năm 2020 đã tăng lên 17,1 tỷ USD, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2001.

Trong khi đó, nếu như năm 2001, các mặt hàng máy móc như máy ủi của Nhật Bản xuất khẩu nhiều vào Việt Nam thì đến năm 2020, tỷ lệ này lại giảm dần. Thay vào đó là những sản phẩm linh kiện, máy in…

Trái vải thiều của Việt Nam được bày bán trong siêu thị tại Nhật Bản. 
Trái vải thiều của Việt Nam được bày bán trong siêu thị tại Nhật Bản. 

Riêng lĩnh vực thực phẩm, xuất khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2001 là 15 triệu USD, đứng vị trí thứ 17 trong số các nước Nhật Bản xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 30 lần với 459 triệu USD, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu nhiều nhất.

Nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Việt Nam vào Nhật Bản những năm qua cũng tăng 3 lần, từ 545 triệu USD lên 1.607 triệu USD. Trong đó, mặt hàng cá đứng thứ nhất chiếm 70%, nhưng đến năm 2020 thì thịt cá đã qua chế biến vươn lên đứng thứ nhất.

So về xuất khẩu thực phẩm giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN thì vị trí của Việt Nam ngày càng được nâng lên trong khu vực. Cụ thể, năm 2001 Việt Nam chiếm 7% trong số các quốc gia ASEAN nhập khẩu vào Nhật Bản, đứng vị trí thứ 4, nhưng đến năm 2020 Việt Nam chiếm 34%, đứng vị trí thứ nhất. Ngược lại, nhập khẩu thực phẩm của ASEAN từ thị trường Nhật Bản, năm 2001 Việt Nam chiếm 11%, đứng thứ 4 và năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 với 18%.

“Qua đó có thể thấy, ngày càng có nhiều DN Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều DN Việt Nam quan tâm nhập khẩu hàng hoá Nhật Bản” - đại diện JETRO thông tin.

Nhiều thuận lợi cho hàng Nhật Bản vào Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, với dân số gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, giai đoạn 2014 - 2016, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu; đến giai đoạn 2017 - 2019, con số này đã tăng lên khoảng 2,2 triệu người, cao hơn 700.000 người so với giai đoạn 2014 - 2016. Dự báo, năm 2030, Việt Nam đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng thêm, sau Indonesia với 75,8 triệu người và Philippines với 37,5 triệu người.

Còn theo đánh giá của JETRO, hiện Việt Nam và Nhật Bản có nhiều FTA nên nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam hiện đã được giảm thuế. Ví dụ sản phẩm nước tương xì dầu Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam trước đây áp dụng thuế suất 10% thì nay giảm xuống còn 5%. Điều này tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Nhật Bản vào Việt Nam.

Chuyên gia của JETRO nhận định, kinh nghiệm cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và Nhật Bản không thành công đó là vấn đề giá cả. Do vậy, để tạo kết nối giao thương thành công, trong quá trình đàm phán, DN Nhật Bản nên đưa ra lời khuyên áp dụng FTA để có mức thuế suất tốt hơn.

Để khai thác tốt thị trường Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho DN Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như DN Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ Nhật Bản, JETRO vừa tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu dịch vụ mới thông qua “Chương trình tìm kiếm và kết nối với nhà cung cấp Nhật Bản thông qua nền tảng Japan Street”.

Tại đây, rất nhiều DN Việt Nam quan tâm đến nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm tại thị trường Nhật Bản, đồng thời mong muốn thông qua Japan Street để kết nối với nhà sản xuất từ Nhật Bản.

Nền tảng Japan Street cho phép người mua có thể tìm kiếm các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Tại đây, nhà mua hàng Việt Nam cũng có thể tìm thấy những thông tin chi tiết về các sản phẩm như giá bán lẻ, các chứng nhận và yêu cầu nhà cung cấp gửi báo giá sản phẩm, hoặc yêu cầu kết nối DN. Phía JETRO sẽ hỗ trợ phiên dịch miễn phí, tạo thuận lợi cho người mua hàng Việt Nam và người bán phía Nhật Bản đàm phán online để trao đổi giao dịch hàng hóa, thậm chí tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau và có phiên dịch miễn phí.

Các chuyên gia của JETRO đánh giá, mô hình này rất phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động đi lại giao thương bị hạn chế. Đơn cử như, người quan tâm mua hàng không thể sang Nhật Bản nhưng vẫn có thể thử mẫu sản phẩm trước tại Chương trình Showroom do JETRO tổ chức.