Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo viên dành 3 - 5 phút nhắc nhở học sinh nguy cơ đuối nước

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước (PCTNĐN) học sinh, sinh viên (HSSV) đã được các sở GD&ĐT, nhà trường và cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Tuy nhiên, tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với HSSV.

Học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân đang được thầy giáo hướng dẫn học bơi. Ảnh: Thanh Xuan Edu
Để chủ động đề phòng, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn tính mạng đối với HSSV trong dịp hè năm 2018, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của HSSV trong việc tuân thủ các quy định về PCTNĐN. Cũng như, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức, hướng dẫn kỹ năng PCTNĐN đối với học sinh, sinh viên.

Đối với các trường phổ thông, hàng ngày giáo viên dành 3 - 5 phút các tiết học cuối trước khi tan trường để quán xuyến, nhắc nhở khuyến cáo HS trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyện đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Các em HS không được tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn cho HSSV tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, kỹ năng PCTNĐN trong thời gian các em nghỉ hè. Các trường và địa phương chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…nhằm đảm bảo an toàn cho HSSV.

Cùng với đó là các cơ sở giáo dục phối hợp kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và tổ chức cảnh báo kịp thời.