Giáo viên ngoại ngữ - Không tự học sẽ tụt hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy, trên 62% giáo viên ngoại ngữ bậc phổ thông chưa đạt chuẩn.

Giáo viên ngoại ngữ - Không tự học sẽ tụt hậu - Ảnh 1Vậy nhưng, PGS.TS Nguyễn Lân Trung – chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ 2020, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên đã thay đổi nhiều khi được tiếp cận với chương trình mới.

Ông có ý kiến gì khi còn tới 51% giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, hơn 63% THCS và trên 73% THPT chưa đạt chuẩn?

- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, lịch sử thiên về đào tạo kiến thức, nay chuyển sang hình thành năng lực, cho nên số đông giáo viên từ 45 – 50 tuổi rất khó để đạt chuẩn.

Thứ hai, chuẩn đầu ra trước đây khác, bây giờ áp theo Khung tham chiếu châu Âu hệ A1, A2, B1, B2, phải có thời gian phấn đấu.

Hai lý do này dẫn đến tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn còn cao. Nhưng chúng ta vui mừng vì 3 năm trở lại đây, số lượng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn tăng nhanh, so với thời gian đầu áp thực hiện chỉ có vài phần trăm.

Giáo viên chưa đạt chuẩn, nhưng vẫn đứng lớp sẽ ảnh hưởng thế nào trong việc dạy học sinh theo hướng phát huy năng lực?

- Với những người đã đạt chuẩn, tiếp thu cái mới áp dụng trong giảng dạy, khu trú vào đào tạo năng lực được cải thiện một cách đáng kể, chắc chắn chất lượng đầu ra của học sinh tốt hơn. Những giáo viên chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ không nhỏ, tuy nhiên không có nghĩa họ là người cũ. Thời gian qua, đặc biệt năm 2014 và 2015, từ Đề án Ngoại ngữ 2020 đã có khoảng 40% trong tổng số 70.000 giáo viên phổ thông dạy ngoại ngữ được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại. Trên 1/3 trong số này, kể cả những giáo viên chưa được bồi dưỡng nhưng đã tiếp cận các chương trình, giáo trình, tài liệu đổi mới và thay đổi nhiều. Vì vậy, dù chưa đạt chuẩn nhưng họ ở mức mấp mé.

Tôi thấy về cơ bản, không có giáo viên nào đang đứng tại chỗ so với 5 năm trước. Họ đã thay đổi được quan điểm, việc dạy cũng tốt hơn. Bởi chuẩn chỉ về kỹ năng (nghe - nói - đọc - viết) trong khi khung năng lực giáo viên của Bộ GD&ĐT đưa ra còn là phương pháp giảng dạy, không "đo" chuẩn, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo.

Thưa ông, làm thế nào để nâng chuẩn năng lực thực hành tiếng của giáo viên ngoại ngữ một cách nhanh nhất?

- Trong thời gian tới, thứ nhất, chủ trương của Đề án Ngoại ngữ 2020 là tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng online. Thứ hai, trên internet có rất nhiều tài liệu bồi dưỡng, chỉ cần giáo viên nỗ lực sẽ tìm thấy những chương trình ở trong và ngoài nước có chất lượng. Yếu tố nữa vô cùng quan trọng là động lực bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là các thiết chế, chính sách tác động, khi giáo viên đi bồi dưỡng đến lần thứ tư mà không đạt chuẩn thì bị chuyển công tác. Động lực bên trong là cả đội ngũ giáo viên cùng tiến, phụ huynh và học sinh đòi hỏi cao hơn, tự trọng của người giáo viên cũng lên cao, họ thấy phải tự học. Nếu không sẽ trở thành người kém cỏi, tụt hậu.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, việc tuyển mới giáo viên tiếng Anh nên theo hướng nào để đáp ứng nhu cầu đổi mới, thưa ông?

- Theo tôi biết, hiện nay chúng ta có khoảng 17.000 – 18.000 trường tiểu học nhưng mới chỉ có 7.000 giáo viên, chiếm chưa đến 1/2 số người trong biên chế. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương phải tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ không chính thức, nhưng không ai kiểm soát về chất lượng giảng dạy. Vấn đề hiện nay, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, TP cùng nhau vào cuộc, đưa ra chính sách tuyển dụng. Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc đã đủ số lượng giáo viên ngoại ngữ do điều động giáo viên từ cấp THCS chuyển xuống, cho nên mỗi địa phương cần có chính sách tuyển dụng cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!