Sáng nay (4/6), các thí sinh tiếp tục bước vào làm bài thi môn Hóa học thi vào lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội năm 2019. Nhiều học sinh cho biết, đề thi khó, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng.
Theo thầy giáo Trần Phương Duy - trường THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội (giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống giáo dục TOLIHA Elearning) cho rằng, đề thi năm nay có phổ kiến thức rộng trải dài từ hóa học lớp 8 (giải thích hiện tượng qua các thuyết phân tử, nguyên tử, khối lượng nguyên tử được xác định thông qua khối lượng của các loại hạt cấu thành nên chúng...) đến lớp 9 cơ bản gồm các nội dung liên quan đến chuyển hóa các hợp chất vô cơ – hữu cơ như axit – bazo – muối kèm theo các ứng dụng thực tiễn của chúng.
Không thiếu những kiến thức lớp 9 nâng cao có thể kể đến như sự thủy phân của muối sắt II nitrat và cacbonat trong môi trường chân không – phản ứng tách và crackinh ankan đơn giản.
Đề có nhiều câu hỏi lý thuyết chuyên sâu về hóa học, các câu hỏi ứng dụng thực tiễn khá quen thuộc với những học sinh học chắc kiến thức nền, du nhập thêm các dạng mới phục vụ cho kì thi THPT quốc gia năm 2019 sắp tới như các câu hỏi liên quan đến thực nghiệm, hiện tượng, các yếu tố thí nghiệm an toàn.
Kỹ năng viết phương trình hóa học vẫn được đề cao ở hầu hết các bài tập. Do đó để hoàn thành và tránh bỏ sót các câu hỏi dẫn đến mất điểm này, thí sinh cần học rất chắc và có kĩ năng viết nhanh, tư duy sâu trong phương trình hóa học.
Các công thức tính toán được sử dụng và đưa vào linh hoạt, kích thích học sinh xử lí và phải động não nhiều do kết quả bài toán có thể được dẫn ra qua một phương trình đại số khá cồng kềnh (phương trình về nồng độ phần trăm, phương trình biện luận nghiệm nguyên, giải phương trình bằng phương pháp đồng nhất hệ số, đánh giá...).
Từ đó, cho thấy, để giải được một bài toán hóa học thí sinh cần có sự tích hợp nhiều môn đối với các bài tính toán thì kiến thức toán là phần khá quan trọng.
Trong đề thi năm nay có một số điểm gây lúng túng cho thí sinh ví dụ như câu III.1, IV.2 và V.1,2.