Giày da Phú Yên khẳng định chỗ đứng

Bài, ảnh: Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với truyền thống hàng trăm năm, làng nghề ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên được đánh giá là nơi làm giày nổi tiếng nhất Hà Nội.

Tuy nhiên, trước sự vận động của cơ chế thị trường đòi hỏi những người làm nghề phải tìm ra bản sắc riêng biệt cho sản phẩm làng nghề.

Sôi động làng nghề

Rong ruổi chạy xe quanh làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, 2 ngôi làng sản xuất giày da truyền thống chủ lực và cũng đã được công nhận là làng nghề truyền thống của xã Phú Yên mới thấy hết nhịp điệu sản xuất sôi động của làng nghề. Dọc tuyến đường trục chính, các cửa hàng giày mọc lên đông đúc như một tuyến phố nghề sầm uất. Bên trong những cửa hàng ấy, ngoài hàng ngàn đôi giày, dép các loại được trưng bày, giới thiệu, còn có cả khu sản xuất trực tiếp. Khách tới mua có thể trực tiếp ngồi xem quy trình làm giày nếu muốn và những người thợ, nhân viên bán hàng sẽ tư vấn tận tình cho khách hàng.
Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên.
Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên.
Trong cửa hàng rộng rãi của anh Nguyễn Huy Diên, chủ cơ sở giày Sơn Linh, thôn Giẽ Thượng, gần 10 lao động đang miệt mài làm việc, mỗi người một công đoạn, người ép khuôn, người khâu, người đánh xi, đóng gói… Anh Diên tâm sự, sản phẩm giày dép da của gia đình được bán trên địa bàn cả nước nhưng phần lớn tập trung tại thị trường Hà Nội. Đặc biệt, cơ sở đã áp dụng hình thức quảng bá và bán hàng qua mạng internet đạt hiệu quả tốt. Do đó, mức lương trả cho thợ chính đạt gần 10 triệu đồng, thấp nhất cũng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của UBND xã Phú Yên, hiện nay, toàn xã có hơn 600 hộ làm nghề sản xuất giày da, thu hút trên 2.000 lao động tham gia, trong đó có khoảng 300 lao động từ các địa phương lân cận. Các hộ dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nên năng suất, chất lượng giày tăng lên đáng kể. Nhiều năm nay, nghề làm giày da mang lại thu nhập chính cho người dân. Ước tính mỗi năm, toàn xã Phú Yên sản xuất được 6 - 7 triệu đôi giày, thu về 50 - 60 tỷ đồng.

Xây dựng, bảo vệ thương hiệu

Với truyền thống làm nghề lâu năm, lại nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ làng nghề giày da Phú Yên đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã và màu sắc. Đến phố nghề giày da ở Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, người khó tính nhất cũng sẽ tìm cho mình được đôi giày ưng ý với giá cả phải chăng. Chị Nguyễn Bích Hạnh, một khách hàng từ quận Đống Đa về mua liền một lúc 3 đôi giày chia sẻ, giày da Phú Yên có chất lượng tốt, da mềm. Tuy nhiên, điểm hạn chế là đa số sản phẩm sản xuất theo các mẫu và một phần dán nhãn nhái tên thương hiệu nổi tiếng như Zara, Louis Vuitton, Chanel… Ngay cả bản thân nhiều người làm nghề cũng thật thà cho biết, sản phẩm giày của Phú Yên được đưa ra nội thành rồi dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng khác và bán với giá cao hơn nhiều lần tại nơi sản xuất.

Bên cạnh đó, khó khăn của làng nghề là chưa có diện tích để mở rộng khu sản xuất tập trung, hầu hết các hộ sản xuất trong gia đình với quy mô nhỏ. Đặc biệt, khả năng tự thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng còn hạn chế, chưa mang dấu ấn riêng của từng hộ sản xuất. Cá biệt, có hộ còn làm hàng xô, hàng chợ kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, làng nghề giày da Phú Yên cần tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh và ghi rõ trên nhãn sản phẩm xuất xứ hàng hóa.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Soạn – Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết, toàn xã có hơn 40 hộ sản xuất đã đăng ký thương hiệu cá thể và nhãn hiệu tập thể của làng nghề cũng đã được đăng ký. Tuy nhiên, thương hiệu sản phẩm làng nghề cũng chưa thật sự mạnh. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền tới các hộ sản xuất đăng ký xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh nhân cấy nghề làm giày trong toàn xã để nghề ngày càng phát triển.