Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Thưa ông, lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ có lẽ là tin vui đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức bởi lâu nay yêu cầu chứng chỉ, bằng cấp trong xét tuyển, bổ nhiệm, thi nâng ngạch công chức, viên chức nhiều phiền hà, không thực chất?
- Theo tôi, những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ là cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Thậm chí, những tiêu chuẩn, yêu cầu, chế độ tuyển dụng công chức, viên chức cần phải nâng cấp hơn nữa trong tương lai. Trong đó những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học, bằng cấp... là những yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên, vấn đề là phải thực chất và có xem xét một số đặc thù như đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc ở những lĩnh vực cá biệt khác. Quan trọng là từng chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng, độ tuổi phải được quy định những loại văn bằng chứng chỉ một cách hợp lý. Tránh việc vẽ ra các loại chứng chỉ chỉ để cho có, không liên quan đến công việc.
Có một thực tế lâu nay, để cho đủ điều kiện về mặt hồ sơ, nhiều cán bộ vừa làm việc, vừa dành thời gian đi học chứng chỉ một cách đối phó... nên chất lượng chứng chỉ không thực chất. Bản thân người học cũng không để tâm học bởi dù có học nhưng học xong không dùng đến, không mang lại lợi ích, thuận tiện cho công việc. Suy cho cùng, việc học đó không dùng vào việc gì, chỉ để làm đẹp hồ sơ. Vậy, cuối cùng ai được lợi? - một số trung tâm đào tạo cấp văn bằng chứng chỉ giả hưởng lợi.
Yêu cầu tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học hiện nay không phù hợp với từng vị trí việc làm mà dường như có sự “cào bằng” như nhau, thưa ông?
- Đúng vậy. Có cử tri là cán bộ 50 tuổi phản ánh với tôi rằng, họ cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch. Nhưng công việc của họ không dùng đến ngoại ngữ và đã ở tuổi 50 thì rõ ràng đây là yêu cầu quá khắt khe. Do đó, theo tôi, với đối tượng đã là cán bộ công chức ở độ tuổi từ 40 trở lên không nhất thiết phải có đầy đủ các chứng chỉ như người dưới 40 tuổi. Tạo cơ hội cho cán bộ không mất thời gian đi học chứng chỉ không cần thiết, rồi bỏ cả việc cơ quan. Đồng thời cũng không tạo cơ hội cho các tổ chức, trung tâm đào tạo làm bằng giả, chứng chỉ giả.
Như tôi đã nói ban đầu, văn bằng chứng chỉ là cần thiết, nhưng quan trọng là từng chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, từng đối tượng và từng ngạch, từng độ tuổi phải được quy định những loại văn bằng chứng chỉ một cách hợp lý. Để khắc phục điều này, trong tương lai, các trường đại học cần đào tạo những văn bằng, chứng chỉ cơ bản, trong đó có ngoại ngữ, tin học. Như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp, bên cạnh bằng đại học có được luôn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Thi tuyển chú trọng thực hành
Chính yêu cầu về chứng chỉ, văn bằng khắt khe, mang tính hình thức khiến nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó có chuyện mua bán bằng cấp, chứng chỉ, ông có nghĩ vậy không?
- Hiện nay, có chuyện trong thi tuyển hoặc thi xét nâng ngạch đang chú trọng hợp lý hóa hồ sơ hơn là chất lượng ứng viên, từ đó phát sinh tiêu cực, chạy chọt, hoặc tìm cách này cách khác tạo cơ hội cho bản thân mình. Rõ ràng, trong thực tế, có nhiều cán bộ đầy đủ bằng cấp, hồ sơ đẹp, chứng chỉ gì cũng có, nhưng mỗi tội... không làm được việc gì.
Đến lúc đó mới lộ ra văn bằng, chứng chỉ đi xin, đi mua. Do vậy, cần thiết phải có hình thức thi tuyển công khai, minh bạch, thiên về thực hành hơn chú trọng văn bằng, chứng chỉ. Ví dụ, thay vì hồ sơ có chứng chỉ ngoại ngữ, khi thi tuyển kiểm tra luôn thí sinh đó bằng tiếng Anh, như vậy, sẽ biết ngay trình độ ngoại ngữ.
Ngày 7/11 vừa qua, trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cam kết sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ rườm rà để “không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa”. Là một Đại biểu Quốc hội, ông thấy câu trả lời và cũng là lời hứa này của Bộ trưởng như thế nào?
- Qua cách trả lời, có thể thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nắm được thực chất của các loại “giấy phép con”. Bộ trưởng cũng thấu hiểu được gánh nặng, tâm tư, phản ánh của cán bộ, công chức. Chắc chắn, việc cắt giảm những chứng chỉ phiền hà như Bộ trưởng nói rằng loại “giấy phép con” trong công tác cán bộ sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cam kết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và mong muốn Bộ trưởng sớm thực hiện, các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa sau phiên chất vấn.
Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói, tại kỳ họp này, sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ban hành, sẽ xây dựng Nghị định mới với những quy định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, ông nghĩ sao về kế hoạch này?
- Theo tôi không nên chờ đến khi có Luật, sau đó mới ra Nghị định mà thay vào đó bổ sung luôn vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức đang được Quốc hội xem xét để các đại biểu cho ý kiến ngay tại kỳ họp trước khi biểu quyết thông qua. Đồng thời, không chỉ là việc thi tuyển, xét tuyển, theo tôi trong đánh giá xếp loại cán bộ công chức cũng vậy, Luật Cán bộ, công chức cũng nghiên cứu quy định chặt chẽ, hiệu quả, thực chất, tránh đối tượng sáng cắp ô đi, tối cắp về nhưng vẫn đẹp hồ sơ, vẫn cứ hoàn thành nhiệm vụ.
Xin cảm ơn ông!
"Quan trọng nhất là tìm được người có năng lực, không phải người có hồ sơ đẹp. Với tình trạng loạn chứng chỉ, văn bằng trong công tác cán bộ, dẫn đến cán bộ vừa đi làm, vừa lo đi học đối phó để kiếm chứng chỉ làm đẹp hồ sơ... cuối cùng, người được lợi là trung tâm đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ giả." - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương "Sắp tới, chúng ta sẽ thực hiện vấn đề hậu kiểm là chính chứ không đòi phải cung cấp cái này, cái kia. Trước mắt, việc thực hiện các quy trình tuyển dụng viên chức theo Nghị định 161 của Chính phủ sẽ sửa đổi theo hướng các kỹ năng tin học, ngoại ngữ có thể thi bằng các bài thi trắc nghiệm trên máy tính để đánh giá thực chất chứ không cần phải có chứng chỉ." - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |