Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấy tờ giả “lọt” vào văn phòng công chứng: Giải pháp nào ngăn chặn?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, có các trường hợp yêu cầu công chứng giấy tờ giả khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết. Có những trường hợp giấy tờ giả, giấy tờ mạo danh người khác thực hiện thủ tục công chứng chuyển nhượng, thế chấp nhà đất đã “qua cửa” công chứng, gây nhiều hệ lụy khó lường.

Có tình trạng yêu cầu công chứng giấy tờ giả

Theo Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên với 1.295 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 phòng công chứng và cả 63 tỉnh, TP đều có văn phòng công chứng hoạt động theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, số lượng công chứng viên phát triển nhưng chưa đồng đều. Hoạt động công chứng còn có sai sót, vi phạm, có tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh.

Có tình trạng yêu cầu công chứng khi chưa đầy đủ giấy tờ, giấy tờ chưa hợp lệ, giấy tờ giả…
Có tình trạng yêu cầu công chứng khi chưa đầy đủ giấy tờ, giấy tờ chưa hợp lệ, giấy tờ giả…

Cùng với đó, còn có tình trạng yêu cầu công chứng khi chưa đầy đủ giấy tờ, giấy tờ chưa hợp lệ, giấy tờ giả… khiến cơ quan Nhà nước tốn nhiều thời gian, công sức giải quyết việc công chứng giấy tờ giả, chưa hợp pháp. Có những văn bản đã được chứng nhận nhưng không thể phát sinh giá trị thi hành, mặc dù được chứng nhận theo đúng pháp luật về công chứng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nhà ở…

Thông tin tại phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam" mới đây, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, mặc dù Hà Nội có số lượng công chứng viên nhiều nhất cả nước nhưng chất lượng còn hạn chế. Một số tổ chức hành nghề đã có hành vi vi phạm như cạnh tranh không lành mạnh, nhận và ký công chứng ngoài trụ sở không có lý do chính đáng; ký công chứng khi hồ sơ chưa đầy đủ giấy tờ theo quy định; ký chứng thực bản sao khi không có bản chính để đối chiếu; phối hợp chia thù lao với tổ chức tín dụng.

“Thời gian qua, số lượng các hợp đồng, giao dịch bị Tòa án tuyên hủy và vô hiệu ngày càng nhiều, đơn thư kiến nghị liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng có xu hướng tăng so với trước. Trong 5 năm (2015-2019), Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành 64 quyết định xử phạt, với số tiền phạt gần 400 triệu đồng” - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn thông tin.

Cần chế tài xử lý nghiêm khắc

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đề xuất, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, và các quy định liên quan đến hướng dẫn, giải thích pháp luật.

Cán bộ bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính cho công dân
Cán bộ bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính cho công dân

Bên cạnh đó, phải tăng cường chất lượng, năng lực, đề cao trách nhiệm nghề nghiệp với công chứng viên khi hành nghề; bổ sung chế tài mạnh hơn như tạm đình chỉ có thời hạn với tổ chức hành nghề công chứng. Khi công chứng viên sai phạm phải xem xét cả trách nhiệm của trưởng văn phòng, không thể chỉ xử lý mỗi công chứng viên. Trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm phải tập sự, thi sát hạch lại… Ngoài ra, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái luật để yêu cầu công chứng.

“Lực lượng công chức làm công tác quản lý Nhà nước về công chứng không nhiều, lực lượng thanh tra cũng mỏng, do đó, cần nghiên cứu, đưa ra cơ chế mang tính giám sát cộng đồng với hoạt động công chứng. Có thể để khách hàng đánh giá, theo dõi, giám sát các công chứng viên và xem đây là kênh tham khảo quan trọng để cơ quan quản lý Nhà nước định kỳ đánh giá, sát hạch chất lượng hành nghề của công chứng viên” - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề xuất.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai, trong thời gian tới, cần thiết lập thể chế pháp lý điều chỉnh cả hoạt động công chứng và chứng thực, xác định đúng vai trò, phạm vi, bản chất từng hoạt động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về công chứng.

Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả qua cửa văn phòng công chứng, các cơ quan quản lý tổ chức hành nghề công chứng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các hội công chứng viên trên cả nước đã tiến hành nhiều cuộc tập huấn nhằm nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng đã không ngừng áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động.

Ngoài ra, các chuyên gia luật đề xuất, cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng... Đây là những giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong công chứng như hiện nay.