Gieo mầm tình yêu di sản

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng trăm em học sinh đang tham gia các trải nghiệm đắp thành bằng đất, bắn nỏ, đóng oản xôi… Đó chính là một phần trong chương trình giáo dục di sản “Tìm hiểu lịch sử Khu di tích Cổ Loa” đang được triển khai.

 Học sinh tham quan, trải nghiệm, học tập thực tế tại Khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Lại Tấn
Gắn giáo dục với di sản

Ngày 21/5, Khu di tích Cổ Loa đón tiếp 350 em học sinh đến từ Trường THCS Lương Khánh Thiện (Kiến An, Hải Phòng) đến tham gia chương trình “Tìm hiểu lịch sử Khu di tích Cổ Loa”. Đến với chương trình, học sinh được tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, tham quan nội cung, nơi thờ An Dương Vương; khảo sát, tìm hiểu về cấu trúc Đền Thượng và kiến trúc đình Cổ Loa. Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản - Khu di tích Cổ Loa: “Tham gia chương trình, học sinh còn được tìm hiểu về chức năng, quy mô, kiến trúc nghệ thuật xây dựng thành và hào. Đặc biệt, các em được tận mắt nhìn, chạm vào các vòng thành, tìm hiểu về chức năng, quy mô, kiến trúc và nghệ thuật xây dựng thành và hào.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác giáo dục di sản với học sinh, nhất là trong bối cảnh khá nhiều em thờ ơ với môn lịch sử, cô giáo Bùi Thị Huyền - Trường THCS Lương Khánh Thiện cho biết: “Tôi thấy rằng hoạt động trải nghiệm của thành Cổ Loa cũng gắn với chính các bài học trong sách vở của học sinh. Đến đây, các em được trải nghiệm thực tế. Trong quá trình trải nghiệm, học sinh có những câu hỏi rất sát thực với hướng dẫn viên, giáo viên về các kiến thức đã được học trong sách vở về thành Cổ Loa có đúng với thực tế hay không. Từ đó, học sinh cảm thấy thú vị hơn. Đồng thời, tham gia các hoạt động như làm bổng chủ, bắn nỏ, đắp thành, học sinh mường tượng được các nghi lễ xưa, quá trình xây đắp vòng thành như thế nào. Mặt khác, giáo viên tham gia chương trình cũng có thể xây dựng các tiết học có hình ảnh, giúp học sinh có hứng thú hơn với môn học của mình, không bị gò ép”.

Bớt quay lưng với lịch sử

Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các nhà khoa học xây dựng các chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh, thông qua những hoạt động trải nghiệm sinh động, thú vị mang tên “Em làm nhà khảo cổ". Năm 2018, từ hiệu quả của chương trình giáo dục di sản, Trung tâm tiếp tục nâng cấp, mở rộng không gian khám phá “Em làm nhà khảo cổ” để mỗi buổi có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho 50 học sinh, từ chỗ chỉ diễn ra dịp cuối tuần, chương trình được tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần. Song song với chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình “Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long” dành cho học sinh THCS. Chương trình có thể tiếp đón nhiều nhất 200 học sinh một buổi, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong khoảng thời gian từ 2 - 3 giờ. Trong chương trình này, các em được tham quan những điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng nhà D67, hầm D67, hầm Cục Tác chiến; tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản; tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố; tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian.

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng Hà Nội nhận định: “Sự háo hức của học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử qua các câu chuyện, hiện vật... là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các em không quay lưng với lịch sử. Giáo dục di sản đem đến cách tiếp cận và diễn giải lịch sử độc đáo, tạo hứng thú để các em chủ động tìm hiểu, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của học sinh trước các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Đó cũng là nền tảng để các em trở thành công dân Thủ đô có trách nhiệm”.