KTĐT - Hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Sở VHTT&DL Hà Nội đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, bảo tồn vốn văn hoá phi vật thể tiêu biểu như lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội Vua Lê đăng quang (Hoàn Kiếm), lễ hội đền Và (Sơn Tây), nghề thêu Quất Động (Thường Tín), lễ hội Chạy Lợn, múa Bài Bông (Phú Xuyên), hát Chèo Tàu (Đan Phượng), hát Dô (Quốc Oai).
Đồng thời tạo điều kiện để nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phát triển như rối nước Đào Thục (Đông Anh), Đồng Vàng (Phú Xuyên), làng Gia (Thạch Thất); tuồng Đồng Ấu (Đông Anh), tuồng Dương Cốc (Quốc Oai); các câu lạc bộ ca trù ở nội thành Hà Nội, Lỗ Khê (Đông Anh), Đông Duyên (Thường Tín), Thượng Mỗ (Đan Phượng), La Khê (Hà Đông). UBND Thành phố cũng giao cho Sở VHTT&DL Hà Nội dự thảo các văn bản pháp quy như: Quy định về quản lý, đầu tư tu bổ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Hà Nội, Quy chế quản lý cổ vật và đồ thờ tự trong di tích và Quy chế quản lý sử dụng nguồn thu công đức, làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và bảo tồn di sản trong thời gian tới. Bản thân các quận, huyện và người dân cũng đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá ngàn năm ngay tại chính địa phương mình.
Hò Cửa đình và múa hát Bài Bông được coi là nét văn hóa đặc trưng ở ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Ra đời cách ngày nay hàng trăm năm, đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, được người dân bảo tồn và lưu giữ. Đến nay loại hình này vẫn là một nét văn hoá đặc sắc, là niềm tự hào của người dân vùng đất Phú Xuyên.
Có nhiều ý kiến khác nhau về hoàn cảnh ra đời của loại hình nghệ thuật hò Cửa đình và múa hát Bài Bông ở Phú Nhiêu. Người dân địa phương chỉ biêt rằng khởi nguồn từ một bài hát múa mang tín ngưỡng thờ cúng đã phát triển thành một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Đây là một loại hình hò hát theo các nghi lễ dân gian ở địa phương để cung chúc các vị thần hoàng làng. Nội dung bài hò Cửa đình gồm 517 câu, được chia làm 3 phần: Bài giáo, bài hò và bài khóng. Mỗi bài đều có một âm điệu và hình thức biểu đạt khác nhau, một nội dung khác nhau theo các thể thơ khác nhau. Phổ biến là vè ba chữ, vè bốn chữ theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, có phần diễn xướng, có âm điệu hát hò kèm sênh phách. Những giai hò ăn mặc chỉnh tề khăn xếp, áo the thâm, quần trúc bâu trắng, đứng thành ba nhóm để hò. Những câu hò đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân, nhiều người đã thuộc lòng bài hò, họ coi đây như một bài trường ca của quê hương.
Múa hát Bài Bông cũng liên tục xuất hiện trong những ngày lễ hội theo ba đội hình: múa hát khi đi rước trải, múa hát phục vụ các chầu tế lễ, múa hát thờ thánh. Thể thơ Bài Bông rất phong phú, đa dạng với gần 200 câu thơ theo thể loại 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, tứ tuyệt, lục bát mang âm sắc giọng ca Huế, lại vừa có chất giọng mượt mà, dìu dặt của chèo, ca trù. Đội hình múa hát Bài Bông gồm 8 người (ngày xưa là những thiếu nữ chưa chồng), được tuyển chọn từ những cô gái đẹp nhất làng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trang phục lộng lẫy, xiêm y rực rỡ, khăn mũ thướt tha. Đạo cụ để múa là một quạt lụa hoa, một khăn lụa màu, một đôi đèn hoa để múa đêm. Chính hò Cửa đình và múa hát Bài Bông ở Phú Nhiêu đã làm cho lễ hội ở đây có nét riêng biệt, gây ấn tượng sâu sắc đối với khách thập phương về dự hội.
Hai loại hình diễn xướng này được lưu giữ với một niềm tự hào của người dân. Thời kỳ hưng thịnh nhất của loại hình diễn xướng này là từ cách mạng Tháng 8 trở về trước. Sau hòa bình lập lại, các cụ bô lão và nhân dân Phú Nhiêu cũng đã tìm tòi và khôi phục lại hoàn chỉnh bài hò Cửa đình và múa hát Bài Bông. Đặc biệt, phải nói đến những người rất tâm huyết như ông Lương Đức Nghi, người có công lưu giữ, sưu tầm trong suốt 40 năm, nghệ nhân Nguyễn Thị Ga đã tích cực truyền dạy múa hát Bài Bông cho thế hệ sau. Từ những năm 1957, 1961, 1983, 2000 và những năm gần đây, đội văn nghệ múa hát Bài Bông của thôn đã được chọn đi thi cấp huyện, tỉnh thành và luôn giành được giải cao. Càng muốn giữ gìn loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo, người dân cũng nhiệt tình tham gia học tập, truyền lại cho thế hệ sau.