70 năm giải phóng Thủ đô

Gió mùa, nghịch nhiệt khiến chất lượng không khí Hà Nội diễn biến phức tạp

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.

Hoặc có hôm trời có thể hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh, thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp.

Điều kiện thời tiết trong tuần thay đổi liên tục
Số liệu quan trắc và kết quả tính toán cho thấy, chất lượng không khí (CLKK) trên địa bàn TP Hà Nội trong tuần này (31/3/2019 - 6/4/2019) tiếp tục được cải thiện so với các tuần trước đó. CLKK tại các khu vực quan trắc nền đô thị và cận đô thị chủ yếu ở mức trung bình (màu vàng), tại các khu vực quan trắc giao thông CLKK vẫn duy trì chủ yếu ở mức kém (màu da cam). Ngoài ra, CLKK vẫn có sự chênh lệch giữa các ngày trong tuần, dao động trong khoảng từ 58 - 138, giảm so với tuần trước.
Từ bảng tổng hợp cho thấy, CLKK chủ yếu duy trì ở 2 màu, vàng và da cam, có sự chênh lệch màu rõ rệt giữa các ngày trong tuần. Đồng thời, điều kiện thời tiết trong tuần cũng có sự thay đổi liên tục.
Ngày 31/3, sáng sớm có sương mù nhẹ, thời tiết oi bức, nền nhiệt khá cao (28 - 31 độ C), ít gió, áp suất cao đã phần nào hạn chế sự khuếch tán của các chất thải, khói bụi lên các tầng cao, khiến chỉ số CLKK tại các trạm đều tăng. Tuy nhiên, đến sáng sớm 1/4 xuất hiện mưa rào trên diện rộng, trưa chiều trời quang mây nền nhiệt tăng, nhưng về đêm nền nhiệt giảm khá mạnh. Mưa rào đã phần nào rửa trôi khói bụi có trong không khí, nồng độ các chất ô nhiễm giảm xuống, CLKK có dấu hiệu được cải thiện.
Do sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm 1/4 khá lớn, nên có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Sáng sớm cho đến trưa chiều ngày 2/4, xuất hiện lớp sương mù bao phủ Hà Nội. Mặc dù sáng sớm trời có mưa rào nhẹ, nhưng chỉ mưa rào rải rác một vài nơi, không liên tục; nồng độ các chất có xu hướng tăng lên, khiến chỉ số CLKK tại các trạm đều chạm mức kém. Đến chiều tối trời giảm mây và có nắng nhẹ (nhiệt độ cao nhất khoảng 25 độ C), nồng độ các chất có xu hướng giảm xuống.
Đến ngày 3/4, sáng sớm vẫn có sương mù nhẹ, trời nhiều mây, nền nhiệt dao động trong khoảng từ 23 - 25 độ C, độ ẩm khá cao, trưa và tối có mưa rào và gió nhẹ, CLKK cải thiện so với ngày 2/4.
Tương tự các ngày khác trong tuần, điều kiện thời tiết trong các ngày 4/4 và 5/4 cũng có sự thay đổi liên tục, sáng có mưa rào, trưa chiều trời nắng, về đêm nhiệt độ giảm nhưng không chênh lệch nhiều so với ban ngày. Với điều kiện khí tượng khá thuận lợi, nồng độ khí thải và khói bụi có trong không khí có thể khuếch tán lên các tầng cao, CLKK cải thiện chủ yếu duy trì ở mức trung bình.

Đến ngày 6/4, trời nhiều mây, không có mưa và gió, nồng độ các chất có xu hướng tăng lên, chỉ số CLKK một số trạm chạm mức kém.
Hiện tượng có tính quy luật
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian qua tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3.
Quy luật này cũng đã thể hiện khá rõ khi nồng độ bụi trong môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội đang có những biến động đáng kể, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5.
Hiện tượng nghịch nhiệt gây sương mù vào thời điểm cuối tháng 3/2019
Kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong quý I năm 2019 cho thấy nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh. Thời gian nồng độ bụi mịn (PM2.5) tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11 - 13/1, 19 - 20/1, 23 - 26/01, 11 - 14/3, 20 - 22/3 và 26 - 27/3.
Từ kết quả phân tích, các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn khá cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)...; tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn là tương đối thấp.
Ngoài ra tại các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao. Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, nguyên nhân khiến CLKK xấu đi là do điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm, TP vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao. Hoặc có hôm trời có thể hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.
“Theo chúng tôi đánh giá, thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn TP ở độ cao khá thấp. Sương mùa xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữa lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt”, ông Thái cho biết.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông…

Trong Báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số TP trong khu vực Đông Nam Á, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong khu vực. Tổng cục Môi trường cho biết, nhận định này là chưa chính xác, bởi vì trong bảng thống kê, GreenID chỉ có dữ liệu của 20 TP thuộc 4 quốc gia: Thái Lan (14 TP), Indonesia (1 TP); Philippines (3 TP), Việt Nam (2 TP), không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.

Qua so sánh với một số TP khác của châu Á cho thấy mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại TP Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó Dhaka - Bangladesh: 97,1 µg/m3; Dehli - Ấn Độ: 113,5 µg/m3; các TP của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3...