Giỗ Tổ Hùng Vương 2020: Cội nguồn luôn trong tim người Việt

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì một lễ giỗ quy mô cấp quốc gia, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đã lược bỏ phần lễ hội, rút gọn nghi lễ dâng hương. Nhưng người Việt ở muôn phương vẫn nhớ về Quốc tổ theo một cách rất riêng.

Kịch bản lễ giỗ liên tục thay đổi
Theo kế hoạch ban hành đầu tháng 2/2020, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm Canh Tý 2020 với chủ đề: “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương” sẽ được tổ chức theo quy mô cấp Quốc gia.
Theo đó, Giỗ tổ Hùng Vương 2020 sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ 24/3 - 2/4 (tức ngày 1 - 10/3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì và vùng lân cận. Dự kiến, phần lễ và phần hội, bao gồm nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch; Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch...
Tuy nhiên, đến ngày 26/3, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 đã họp và điều chỉnh kế hoạch tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ còn tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.
 Khu di tích sử đền Hùng yên ả trước ngày Giỗ Tổ.  Ảnh: Ngọc Tú
Cụ thể là Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 2/4/2020 (tức mùng 10/3 âm lịch). Trên thực tế, Ban Tổ chức mới kịp tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc tổ tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu tại Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Đến ngày 1/4, trước yêu cầu cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ban tổ chức tiếp tục thay đổi kịch bản lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2020, nghi lễ dâng hương vào mùng 2/4 (tức 10/3 âm lịch) được thực hiện trọng tâm bằng hoạt động dâng mâm cơm lễ trong các gia đình trên địa bàn tỉnh.
Mâm cơm đặc trưng nhớ thời Hùng Vương
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, Hùng Vương là vị vua Thủy tổ, là tổ tiên chung, có công lao khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, tạo dựng nên quốc gia, dân tộc.
Người Việt Nam sống trọng tình, thờ cúng tổ tiên luôn được coi là việc đặc biệt hệ trọng trong đời sống”. Năm nay, dù không trực tiếp về đền Hùng dâng hương lên các vị vua anh linh của đất Việt, người dân vẫn có cách riêng để nhớ về tổ tiên.
Đã thành thông lệ, 2 năm trở lại đây, cách lễ giỗ 2 tuần, MTTQ tỉnh Phú Thọ lại vận động mỗi gia đình trong tỉnh có một mâm cơm tri ân dâng lên bàn thờ tại gia, hướng về cội nguồn.
Ông Mạnh Thắng (xã Chu Hóa, TP Việt Trì) cho biết: “Năm nay do điều kiện không thể di chuyển, cả nhà lại xum vầy chuẩn bị bữa cơm cúng vào ngày 10/3. Cỗ cúng ngày giỗ Tổ khác với cỗ cúng gia tiên ngày Tết, sẽ có những món cơ bản như bánh chưng, bánh dày và cơm tẻ”.
Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Sở dĩ người dân chọn các món bánh chưng, bánh dày vì là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó”.
Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Dù cách thể hiện đó theo cách làm lễ trọng (Quốc giỗ) hay cúng giỗ với quy mô vượt lên một mâm cơm bình thường thì đều thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần