Giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh đặc sắc về cảng biển và hải đăng Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức triển lãm trực tuyến "Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới".
Triển lãm trực tuyến "Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới" giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hình ảnh đặc sắc về quá trình quy hoạch cảng biển, hải đăng cũng như hoạt động vận tải đường biển ở Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.

Hình ảnh cảng biển tại triển lãm.
Triển lãm gồm 3 phần: Hải cảng - Cửa ngõ giao thương và thâm nhập; Hải đăng - Mắt thần canh biển; Hải vận - Kết nối những chân trời. Trong đó phần 1 Hải cảng - Cửa ngõ giao thương và thâm nhập sẽ giới thiệu đến công chúng các hải cảng như: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn. Phần 2 Hải đăng - Mắt thần canh biển giới thiệu về hải đăng Hòn Dấu (TP Hải Phòng), hải đăng Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hải đăng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận)…
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cảng biển không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng mà trong lịch sử, các cường quốc còn lợi dụng vị trí chiến lược của cảng biển làm bàn đạp xâm chiếm thuộc địa. Từ trước thế kỷ XIX, thương nhân nước ngoài đã lui tới các cảng biển của Việt Nam để tiến hành buôn bán và thăm dò tình hình trong nước.
Sau khi xâm chiếm nước ta, người Pháp từng tham vọng xây dựng hàng loạt hải cảng dọc bờ biển Đông như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòn Gai - Cẩm Phả, Bến Thủy, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Hà Tiên…
Cùng với mạng lưới hải cảng, hải đăng có vai trò then chốt trong việc giúp tàu thuyền ngoài khơi định hướng, báo hiệu dẫn luồng, chỉ dẫn vị trí có chướng ngại vật ngầm nguy hiểm… Vì vậy, nhằm khai thác xứ Đông Dương màu mỡ, ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống hải cảng và hải đăng.

Hình ảnh về hải đăng Hòn Dấu, Hải Phòng.
Sự hình thành mạng lưới hải cảng và hải đăng bên bờ Biển Đông đã mang lại cơ hội lớn cho các công ty vận tải đường biển của Pháp. Hai cái tên nổi bật thời kỳ đó là Công ty Vận tải đường biển (Messageries maritimes) và Công ty Vận tải hợp nhất (Chargeurs réunis).
Tại triển lãm, trong không gian biển đảo được thiết kế công phu với sự kết hợp của công nghệ âm thanh, ánh sáng, đưa người xem ghé thăm nhiều địa danh ở ba miền Bắc, Trung, Nam để cùng nhìn lại quá trình phát triển của các cửa ngõ quốc tế trên biển cũng như lịch sử những "con mắt" của đại dương xanh.
Triển lãm "Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới" cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Hàng hải Việt Nam (1965 - 2025).

Không gian thị giác đậm chất suy tưởng tại triển lãm "Nơi thời gian chậm lại"
Kinhtedothi – Mỗi bức tranh tại triển lãm "Nơi thời gian chậm lại" là một mảnh ghép của thời gian, có lúc tĩnh lặng như buổi sớm mai, có lúc chậm rãi như cơn gió nhẹ khẽ lùa qua lọn tóc mai của những ngày xưa cũ.

Tái hiện lịch sử qua triển lãm “Lâm Đồng – 50 năm niềm vui thống nhất”
Kinhtedothi- Hơn 200 hình ảnh, hiện vật, tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh các giai đoạn lịch sử quan trọng của quân và dân Lâm Đồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1966 - 1975) được trưng bày tại triển lãm “Lâm Đồng – 50 năm niềm vui thống nhất”.
-1743581988.jpeg)
Đặc sắc 75 bức tranh cắt vải tại triển lãm "Nghe vải kể chuyện"
Kinhtedothi – Ngày 2/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Nghe vải kể chuyện" của họa sĩ Trần Thanh Thục.