Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới trẻ nghiện tô mình trên mạng xã hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn luôn được hoàn hảo trong mắt đám đông, thế hệ Z (sinh ra khoảng giữa những năm 90 trở đi) đang tô mình trên mạng xã hội bằng những điều bóng bẩy, khác với thực tế. Việc dành nhiều thời gian trong thế giới ảo, đề cao thái quá hình ảnh bản thân khiến nhiều người bị ám ảnh đến mức “sống ảo”.

Trưng mạng và thực tế ảo
Trên mạng xã hội Youtube, đoạn video “Are you living an Insta Lie? Social Media vs Reality” - tạm dịch: “Bạn đang sống kiểu Insta Lie - Mạng xã hội đối nghịch thực tế” thu hút hơn 14 triệu lượt xem. Trong clip, người xem có thể thấy, một cô gái thức dậy vệ sinh cá nhân, trang điểm, làm tóc trước khi lên giường selfie rồi đăng lên Instagram.
Một chàng trai khác đang ngồi trong ô tô khi thấy bức ảnh selfie trên đã bước ra ngoài, đội chiếc mũ bảo hiểm xe đạp rồi chụp ảnh với dòng trạng thái “hoàn thành 30km đi xe đạp”. Hay hình ảnh một nhóm bạn gặp gỡ nhau ở một nhà hàng sau khi chụp cùng nhau một bức ảnh cùng đăng tải lên mạng xã hội và chỉ chăm chú đếm like, đọc bình luận mà không nói chuyện, giao lưu với nhau. Ngoài ra, không thiếu những tình yêu nảy nở qua mạng, đến khi gặp nhau ngoài đời thực, nhiều chàng trai ngỡ ngàng hình thức bạn gái mình so với ảnh trên mạng già hơn đến 15 tuổi…
 Ảnh minh họa.
Nhiều bình luận dưới đoạn video “Are you living an Insta Lie? Social Media vs Reality” đã chỉ ra rằng: Ngày càng khó nhận ra mạng xã hội đã phô bày bao nhiêu phiên bản đã qua chỉnh sửa, khác với cuộc sống ngoài đời thực của con người. Khi con người bị ám ảnh bởi việc giữ gìn hình ảnh đẹp của mình bằng mọi giá, hàng loạt ứng dụng trên mạng giúp họ có hình ảnh như ý muốn chỉ với vài thao tác đơn giản. Xu hướng này đã tạo ra thuật ngữ mới “Insta Lie”, có nghĩa là cố tình trưng lên mạng những điều bóng bẩy, khác xa so với thực tế.
Ở Việt Nam, lối sống ảo cũng đang xuất hiện phổ biến, người sử dụng dành phần lớn thời gian để chỉnh sửa ảnh, sưu tầm những câu nói hay nhất để chia sẻ. Trong một khảo sát về sự ghen tị trên Facebook mới đây, cứ 3 người được hỏi có 1 người cảm thấy chán nản sau khi sử dụng. Khảo sát cũng cho thấy, người ở độ tuổi 30 dễ ghen tị với hạnh phúc gia đình của người khác. Thế giới ảo trên mạng xã hội là nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm, lo lắng trong thế hệ Z.
Văn hóa so sánh
Việc ai ai cũng cố phơi bày cuộc sống đẹp đẽ, sang trọng trên mạng xã hội dẫn đến “văn hóa so sánh” trong giới trẻ và một số hệ lụy khác. “Bạn vào mạng và ngày nào cũng thấy một số bạn học cũ check-in đi du lịch nước ngoài, ăn uống toàn món đắt đỏ. Rồi bạn nhìn lại mình và thấy mọi thứ đều giậm chân tại chỗ.
Bạn bắt đầu tự hỏi mình đã sai ở đâu và thậm chí có thể bị trầm cảm” - Vũ Thanh Quân, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa hiện đang thất nghiệp chia sẻ. Mẹ đơn thân Lê Kiều Trang (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mạng xã hội gần như hủy hoại con gái 18 tuổi của mình. Một buổi tối, con gái về nhà và đòi mẹ mua cho điện thoại mới chỉ vì máy đang dùng không cho ra các bức selfie đủ đẹp để đăng lên Facebook và để cho bằng bạn bằng bè. Sau khi có điện thoại, rất nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống của cô bé. Dằn vặt, truy tìm nguyên nhân rồi tôi đi đến quyết định tịch thu chiếc điện thoại”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam nhận định, khi con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo, họ dần đánh rơi các giá trị thật. Các nhà tâm lý cũng cảnh báo tình trạng nghiện sống ảo có thể dẫn đến hệ quả những người dùng không nhận được sự chú ý như mong muốn từ mạng xã hội có thể mắc chứng trầm cảm và giảm sự tự tin.
Theo các chuyên gia, những người này cần yêu bản thân và chấp nhận mọi thứ thuộc về mình hơn là cố gắng trở thành một con người khác. Đôi khi, người sử dụng mạng xã hội tìm thấy niềm vui, hạnh phúc nhưng không ai có thể chỉ sống ở trên mạng là đầy đủ cho một cuộc sống tốt đẹp.
Nguyễn Anh Vũ (27 tuổi), một ca sĩ có thói quen sử dụng mạng xã hội thường xuyên, đã thử không sử dụng Facebook, Instagram trong 1 ngày. Sau vài giờ đồng hồ, Vũ cảm thấy bứt rứt. Song 1 ngày không đắm chìm vào thế giới ảo này, Vũ phát hiện mình vẫn ổn. Chàng ca sĩ cất điện thoại, dành thời gian tập trung làm việc, trò chuyện với đồng nghiệp, hẹn bạn người thân đi ăn trưa.
“1 ngày không check-in, không đau đầu nghĩ viết thế nào cho được trăm like, không lướt đủ page để hóng xem trên mạng hôm nay có vấn đề gì, hóa ra nhẹ nhàng hơn tôi tưởng” - Vũ chia sẻ.
Có thể thấy, với tốc độ phát triển không ngừng, sức mạnh ảo mà thật của cộng đồng mạng xã hội cũng như những tác động của nó tới đời sống thực là không thể phủ nhận. Đặc biệt, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc chạy theo những ảo tưởng trên mạng là có thật. Sự chuyển dịch vĩ đại của đời sống, từ cuộc đời thực vào không gian ảo, đáng tiếc thay đang lấy đi của chúng ta những hành vi và cảm xúc con người. Cuộc sống thật đang cần chúng ta nhận ra điều ấy, để điều chỉnh nhận thức và hành vi.

"Thay vì giao tiếp với người xung quanh, họ sẽ lựa chọn việc chụp ảnh selfie, đăng Facebook, chờ đợi những lượt thích hay bình luận, đó là hội chứng sợ bị lãng quên." - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Tâm


Cả ngày sử dụng Facebook chưa hẳn là sống ảo

"Sống ảo thể hiện ở việc những thông tin người sử dụng đăng tải trên mạng xã hội. Ảo có thể hiểu là tính chân thực trong thông tin người sử dụng thể hiện cho người xung quanh mình thấy về bản thân, nếu sai sự thật thì đó là ảo. Nguyên nhân dẫn đến việc sống ảo có thể từ chính chủ thể người sử dụng mạng xã hội do khó khăn về tài chính, thiếu sự thành công, quan tâm nên họ mong muốn được bù đắp. Tuy nhiên, họ không có năng lực nên phải tạo ra thông tin giả để mọi người thấy họ thành công hoặc thực sự đáng thương." - Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A


Đã xuất hiện những clip với cảnh cực kỳ đau đớn

"Sống trên không gian ảo, tức là quen với khái niệm chém gió, tức là đôi khi ảo tưởng vào những “like” và “comment” và tưởng rằng mọi việc đều có thể giải quyết bằng vài ba cái “tút” trên mạng, lâu dần thành quên cả việc đời sống cần những hành động cụ thể. Như là thấy đám đánh nhau thì chụp ảnh, quay clip, livestream… thay cho việc can ngăn. Đã xuất hiện nhiều clip với cảnh cực kỳ đau đớn như là học sinh đánh bạn, các bạn khác đứng xung quanh chụp ảnh, quay phim và bình phẩm." - Giáo viên trường Mầm non tư thục Bibihome Lê Quỳnh Ly

Một bộ phận giới trẻ hạn chế sống thực để sống ảo

"Đời sống thực chúng ta thở bằng không khí, trên mạng xã hội thì thở bằng nội dung. Có một thực tế, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang dần hạn chế đời sống thực để sống trong một không gian ảo. Tuy rằng, thế giới đó đầy đủ vui, buồn nhưng dù thế giới ấy có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế được những việc chúng ta cần phải làm trong đời sống thực như việc hít thở không khí để sống." - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Minh An (ghi)