Giới trẻ Tokyo chủ quan, Nhật Bản nếm đòn Covid-19 lần nữa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/1, Chính phủ Nhật Bản đã tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, từ ngày 8/1 - 7/2, nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng mức báo động tại nước này.

Màn hình họp báo ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Yoshihide Suga ngày 7/1.

Đây là lần thứ 2 Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo kể từ tháng 4/2020. Động thái diễn ra khi số ca mắc Covid-19 mới ở Tokyo tăng lên mức kỷ lục - 2.447 ca nhiễm mới trong ngày. Tuần trước, lần đầu tiên Tokyo ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày vượt 1.000 trường hợp. 
Đáng chú ý, trong số những người được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Tokyo ngày 6/1, số người ở độ tuổi từ 20 - 29 chiếm lượng lớn (439 người). Tiếp theo là nhóm tuổi 30 - 39 (với 326 người), 40 - 49 tuổi (với 278 người), 50 - 59 tuổi (với 196 người) và nhóm từ 65 tuổi trở lên (179 người). Số liệu thống kê này phản ánh tâm lý chủ quan với dịch bệnh rõ ràng trong giới trẻ ở thủ đô Nhật Bản.
Tình trạng khẩn cấp của khu vực Tokyo có thể được mở rộng ra phạm vi toàn quốc, hoặc riêng khu vực này có thể phải tiếp tục sau ngày 7/2. Điều này được cho sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản, có thể làm phức tạp việc Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Mùa hè dự kiến ​​vào tháng 7/2021.
Bất chấp những dự báo của các chuyên gia về giai đoạn tăng trưởng âm sẽ tiếp diễn tại Nhật Bản trong quý I và III năm nay, chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga buộc phải thắt chặt các quy định ngăn ngừa dịch, coi đây là ưu tiên chính trị hàng đầu.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus thay vì đóng cửa hoạt động kinh tế trên diện rộng. Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn đại dịch trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng phụ trách ứng phó Covid-19 của Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, cho biết.