Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ bản sắc kiến trúc nông thôn

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị hóa gắn với công nghiệp hoá và hiện đại hoá trong thời gian qua trực tiếp góp phần hình thành những cấu trúc không gian mới như những khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ và đặc biệt là các khu đô thị mới tại vùng ven đô Hà Nội...

Bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình này đã có những tác động mạnh mẽ tới cảnh quan, kiến trúc các vùng nông thôn.

Bê tông hóa làng quê

Đô thị hóa đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư khu vực ngoại thành Hà Nội. Điển hình là việc chuyển đổi nhanh chóng và đồng loạt mục đích sử dụng đất đai từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, công cộng, đất ở và đất hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng trên nền đất sản xuất nông nghiệp tại vùng ven đô làm tăng dân cơ học, dân cư quần tụ chủ yếu từ các nơi khác đến.

Bê tông hóa tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất. Ảnh: Đỗ Hồng
Bê tông hóa tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất. Ảnh: Đỗ Hồng

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn cho hay, quỹ đất hạn chế, dân số gia tăng cùng với nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất đã tác động mạnh tới việc điều chỉnh và xây dựng các điểm dân cư mới. Nhất là đối với những xã ven đê như xã Liên Hồng, Hồng Hà, Trung Châu thuộc huyện Đan Phượng; các xã Thạch Xá, Phú Kim, Kim Quan thuộc huyện Thạch Thất, khi tỷ lệ đất ngoài bãi không có khả năng xây dựng nhà cửa để đáp ứng gia tăng dân số, nhiều xã định hình và phân lô nhà ở mới với diện tích nhỏ để dù khả năng đáp ứng nhu cầu, thậm chí để đảm bảo khả năng chỉ trả của cộng đồng dân cư. Điều này dẫn tới thực trạng các lô nhà ở mới có diện tích nhỏ, không đáp ứng tiêu chuẩn đất ở và quỹ đất dành cho cây xanh trở thành yếu tố xa xỉ. Diện tích mặt nước tự nhiên, vốn là những không gian lý tưởng cho điều hòa và hạn chế ngập lụt bị thay thế bởi các lô đất ở mới, gây ra những nguy cơ ngập lụt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho chính các điểm dân cư mới này.

KTS Lã Hồng Sơn cũng cho rằng, hoạt động cải tạo công trình kiến trúc tại các vùng nông thôn hiện chưa có những định hướng rõ rệt. Các mẫu nhà thiết kế điển hình của các cơ quan Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả và không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Người dân tự do trong việc chuyển đổi tổ chức không gian và hình thái kiến trúc theo nhu cầu thực tế của từng gia đình, thiếu hoàn toàn vai trò định hướng của các cơ quan chuyên môn. Các đơn vị tư vấn lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc chưa thực sự nghiên cứu sâu các giá trị bản địa cho giải pháp kiến trúc đưa ra. Từ đó dẫn đến việc mẫu nhà đô thị dần thay thế các hình thái kiến trúc mang đậm giá trị bản sắc tại các vùng nông thôn.

Trong khi đó, các công trình kiến trúc cổ, công trình di tích, di sản chưa được quan tâm đúng mức, dần mất đi vai trò và giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay. Từ đó làm cho giá trị văn hóa và đặc trưng của không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn truyền thống mất dần theo thời gian.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thay đổi đáng kể diện mạo cảnh quan nông thôn, tuy nhiên cũng tạo ra sức ép không hề nhỏ đối với vấn đề bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa vùng miền cho từng địa phương. Quá trình quy hoạch này góp phần không nhỏ vào hiện tượng đồng hóa hình thức kiến trúc và hình thái không gian cho các vùng nông thôn, bất chấp các giá trị đặc trưng tự nhiên, không gian và văn hóa bản địa khác biệt.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nhận xét, trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa tại Hà Nội, nhiều làng xã đã và đang mất dần bản sắc truyền thống vốn có. Bên cạnh nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một, nhiều làng xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị mini trong lòng nông thôn. Các xã nông thôn mới đang xây dựng hệ thống đường giao thông đồng loạt theo phong trào và công thức đơn giản đã “bê tông hóa làng quê”.

Sớm hiện thực hóa chỉ thị của Chính phủ

Trước những tồn tại từ thực tế, các chuyên gia cho rằng việc đánh giá đúng

 

Định hướng giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc và cảnh quan tại các huyện hướng tới tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của Thủ đô trong thời gian tới cần bám sát các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT và Quyết định của UBND TP; phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng và phù hợp với quy hoạch TP được cấp có thẩm quyền phê duyệt với trọng tâm là công tác quy hoạch xây dựng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn

thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thích ứng với những điều kiện mới tại các huyện của TP Hà Nội là hết sức cần thiết.

Về các giải pháp cụ thể lĩnh vực quy hoạch, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đề xuất, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với những quy định mới, tình hình thực tế, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch còn thiếu. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch.

Chỉ thị số 04/CT-TTg của Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống được ban hành mới đây đã nhấn mạnh: Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tăng cường kiểm tra; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn mới. Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn; tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới và các nội dung khác có liên quan.

Với những vướng mắc, tồn tại về thực trạng cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, mong rằng các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP sớm có hành động để hiện thực hóa chỉ thị quan trọng của Chính phủ, đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như giữ được hình ảnh nông thôn truyền thống lâu đời trong tâm thức người Việt.