Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giữ chân FDI: lợi thế dài hạn và quyết tâm cải cách

Kinhtedothi - Trong bối cảnh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh phức tạp, đối đầu địa chính trị, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, của nhiều tập đoàn, công ty lớn ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Nhiều dự án lớn "đổ bộ"

Thực tế, các “ông lớn” toàn cầu đã và đang lên các kế hoạch đầu tư “khủng” vào Việt Nam. Một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn được triển khai trong thời gian gần đây là Nhà máy Lite-On Quảng Ninh vốn đầu tư 690 triệu USD. Lite-On chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất lớn toàn cầu như IBM, Sony, Samsung, Lenovo…

Không chỉ Lite-On tin tưởng vào Việt Nam, nhiều “ông lớn” toàn cầu cũng đang lên các kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều “ông lớn” toàn cầu chia sẻ các kế hoạch tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, Hyosung muốn đầu tư thêm 1,5 tỷ USD để triển khai các dự án sản xuất công nghệ sinh học và sợi carbon tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Warburg Pincus tiếp tục đầu tư quy mô lớn vào dự án ở Hồ Tràm, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng hàng không Long Thành đến Dự án Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng…

Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ.

Trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã đón tiếp hai phái đoàn doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, trong đó có sự góp mặt của các tập đoàn hàng đầu như Apple, Boeing, Intel, Amazon, Coca-Cola… Ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Mới đây, Alchip Technologies, Tập đoàn số 1 Đài Loan về chip AI quyết định mở văn phòng bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội. Alchip Technologies sẽ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), FPT Semiconductor và các đối tác công nghệ khác thành lập Trung tâm ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo startup về bán dẫn AIchip ODC…

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy kinh tế Việt Nam. 2 tháng đầu năm nay cho thấy, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam khi đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo mức cam kết và giải ngân có mức chuyển biến tích cực.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics… FDI giải ngân trong năm 2025 có khả năng vượt 30 tỷ USD.

TS Võ Trí Thành nhận định, trong 2025, giai đoạn đầu năm tính bất định khá cao khi chính quyền Mỹ thực thi nhiều chính sách mà có thể ảnh hưởng đến dòng thương mại đầu tư. Nhà đầu tư còn nghe ngóng, xem xét, định hình và ít nhiều còn do dự. Đây là vấn đề có thực, nhưng nếu chúng ta xử lý khéo léo câu chuyện đối tác, đẩy mạnh công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phát triển thì dòng vốn FDI sẽ tiếp tục vào đúng như kỳ vọng.

Thu hút FDI trong kỷ nguyên mới

Tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" tổ chức cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn. Những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ thời gian qua trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả và giảm bớt gánh nặng thủ tục đang được cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI đánh giá cao.

Dù vậy, các nhà đầu tư cũng đưa ra nhiều khuyến nghị, để tiếp tục hấp dẫn dòng vốn chất lượng cao, biến tiềm năng thành hiệu quả thực sự, Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ông Nitin Kapoor, cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài bền vững và chất lượng cao là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển lâu dài. Để cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam nên tập trung vào 3 yếu tố quan trọng gồm: chính sách cần nhất quán, rõ ràng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng chuỗi cung ứng xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Jeong Jihoon kiến nghị, Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính thông qua số hóa và nâng cấp hệ thống quản lý, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Điều này sẽ giúp quá trình tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp FDI diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt, thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, áp dụng “luồng xanh” cho các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực ưu tiên… Các phản ánh chính sách kịp thời này đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các nhà đầu tư.

Chính phủ Việt Nam cũng đang duy trì chính sách ưu đãi thu hút FDI mạnh mẽ như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm cho các dự án đặc biệt.

Cách đây vài ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, trong đó sẽ xóa bỏ nhiều điều kiện kinh doanh chồng chéo. "Tại Nghị quyết 66 cũng đặt mục tiêu tất cả các cơ quan nhà nước 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp sẽ thực hiện trên mạng. Vì vậy, các thủ tục sẽ được làm minh bạch tạo thuận lợi cho nhà đầu tư"- ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) chia sẻ tại Hội nghị.

Với chính sách bảo hộ mạnh mẽ, “cơn lốc thuế quan” từ Mỹ đang thổi mạnh vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là lúc Việt Nam cần chứng minh khả năng giữ chân FDI, thậm chí đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư mới với nền tảng vững chắc, chiến lược linh hoạt và nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh.

Thực tế trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018, Việt Nam đã trở thành điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính đến đầu năm 2025, hơn 60% tổng số 500 tỷ USD vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực sản xuất – một minh chứng cho niềm tin dài hạn mà các tập đoàn lớn dành cho thị trường Việt Nam.

Sau nhiều năm thu hút FDI, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái sản xuất điện tử lớn với sự hiện diện của Samsung, LG, Canon… cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Điều này giúp giảm chi phí tồn kho và logistics cho các nhà đầu tư. “Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có mạng lưới FTA dày đặc nhất khu vực như CPTPP, EVFTA, RCEP… tạo điều kiện cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Úc với thuế suất ưu đãi”- ông Yee Chung Seck, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Sự gia tăng niềm tin kinh doanh được cho là nhờ vào các cải cách kinh tế liên tục và vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ tuy phức tạp nhưng là tiền đề cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu hút FDI và khẳng định vị thế của đất nước - Chủ tịch Hiệp hội Doah nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Bruno Jaspaert

Đà Nẵng viết tiếp kỳ tích Sông Hàn trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng viết tiếp kỳ tích Sông Hàn trong kỷ nguyên mới

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giá lợn hạ nhiệt

Giá lợn hạ nhiệt

01 Apr, 03:26 PM

Kinhtedothi - Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, giá lợn hơi đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Giới chuyên gia khuyến nghị, để kéo giá lợn hơi giảm, việc cần làm hiện nay là các địa phương, người chăn nuôi phải chú trọng tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Giá xăng dầu hôm nay 1/4: WTI và Brent thu dần khoảng cách

Giá xăng dầu hôm nay 1/4: WTI và Brent thu dần khoảng cách

01 Apr, 08:26 AM

Kinhtedothi - Sau khi chạm mức cao nhất trong 5 tuần, giá xăng dầu thế giới hôm nay trái chiều đầu phiên do hàng loạt những chính sách của người đứng đầu Nhà trắng có thể áp dụng ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ