Chuyện nghe có vẻ ngược đời nhưng hiện tượng con cái... bạc đãi cha mẹ đang có chiều hướng gia tăng và đáng báo động. Điều đáng nói, trong cả những gia đình khá giả, nền nếp, bố mẹ là trí thức, có địa vị xã hội, cha mẹ cũng bị con cái đối xử tệ bạc.
Một buổi chiều, tại vườn hoa trong một khu tập thể ở Cầu Giấy, nhiều người thương cảm cho trường hợp của bà Hoa. "Mày có về ngay không, ông ra ông táng cho một cái giờ", đó là câu nói bà nhận được từ cậu con trai. Anh ta liên tục quát mắng, rồi chạy lại lôi xềnh xệch mẹ mình lên nhà. Cảnh tượng ấy làm buồn lòng tất cả những người chứng kiến, một bà bảo: "Con mình mà như thế thì tôi chỉ có nước tự tử". Nhưng sự đời nào có đơn giản vậy, từ lâu rồi, người mẹ già phải nuốt nước mắt vào lòng trước những trận chửi mắng, thậm chí, bị đứa "nghịch tử" thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, vì bà trái lời anh ta... Có lẽ, cái cảnh tủi nhục của bà không phải là hiếm trong cuộc sống hiện nay.
Không chỉ những người con đã trưởng thành quay ra quát mắng bố mẹ già, nhiều đứa con chưa thoát khỏi vòng tay bố mẹ đã học thói "bắt nạt" người đang nuôi dưỡng mình. Với họ, chữ hiếu, đạo làm con như không tồn tại. Mặc dù từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, chúng được chăm bẵm, yêu thương.
Những đứa con ngỗ ngược ấy thật đáng trách. Song, chắc rằng, đó chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi thực tế, với những gì mà cha mẹ đã hy sinh, vun đắp cho mình, đa phần mỗi người con đều giữ trọn chữ hiếu với cha mẹ, quan tâm chăm sóc cha mẹ khi tuổi xế chiều.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Nhiều người đã đổ lỗi cho hoàn cảnh và tạo nên không ít chuyện đau lòng quanh đạo làm con. Họ cho rằng, người làm con, cháu thời nay dần dần ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc, thậm chí ăn với bố mẹ, ông bà bữa cơm đầm ấm hay ở bên cạnh lúc ốm đau. Vì vậy, họ thường chọn giải pháp thuê người giúp việc hoặc đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão để dành toàn tâm toàn lực cho công việc. Vì thế, không ít người có con cái đông đủ nhưng lại ở với người giúp việc. Hàng tuần, hàng tháng con cái họ gửi cho bố mẹ ít tiền, coi như đã làm xong phận sự. Nhưng, đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả...
Theo nhiều nhà nghiên cứu về gia đình và các giá trị truyền thống, chữ hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình cảm của con người. Trước hết, phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái. Giúp con cái cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của mối quan hệ huyết thống. Nếu như chữ hiếu thời xưa mang nặng tính áp đặt, lễ nghi thái quá và cực đoan, thì chữ hiếu thời hiện đại cần đi sâu vào gốc rễ, xây dựng tình cảm trong gia đình dựa trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, sẻ chia, tâm lý.