Người trẻ cũng mong muốn giữ gìn nét đẹp xin chữ đầu Xuân "Tôi tham gia hoạt động cho chữ đầu năm theo lời mời của Giám đốc trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một phần, Tuệ Tâm sẽ có thêm một khoản tiền để trang trải học phí bên Thái Lan, phần khác sẽ được trao đổi, giao lưu về nghệ thuật thư pháp và mong muốn đóng góp công nhỏ vào nét văn hóa tốt đẹp - xin chữ đầu Xuân. Thông thường, người đi xin chữ đã biết về chữ mình định xin trước khi đến với các thầy đồ. Tuy nhiên, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ các kiến thức liên quan đến từng ý nghĩa của chữ định cho, định xin." - Thầy đồ Tuệ Tâm - sinh viên năm thứ 4, hiện đang sinh hoạt tại chùa Kiều Đàm, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu Không hiểu đúng sẽ từ xin chữ thành xin tranh chữ "Người xin chữ cần hiểu, xin chữ là để học tập, tu dưỡng, chứ không phải xin về để treo một thứ thấy hay hay, đèm đẹp trong nhà. Nếu không hiểu đúng về tục xin chữ, dễ biến từ xin chữ về treo thành xin một bức tranh có chữ. Mục đích của học chữ là để làm người, để xây dựng những điều tốt đẹp. Do đó, khi đi xin chữ phải hiểu tận tường, đó là hướng tới một giá trị truyền thống ngàn đời, trân trọng tri thức, cầu mong mọi điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình, bản thân và xã hội." - Thầy đồ Nguyễn Văn Tư - tác giả của tác phẩm Truyền Kinh Chính Học (Bảo Trọng ghi)Văn hóa xin - cho chữ là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Với những người cho chữ, việc khai bút đầu năm chính là khai trí, khai tâm, mở ra những điều tốt đẹp nhất trong một năm, do vậy sẽ luôn muốn gửi gắm cả những hoài bão, khát vọng của bản thân vào từng con chữ và mong muốn người xin chữ đón nhận. |
Giữ gìn nét đẹp xin chữ đầu Xuân
Kinhtedohi - Nét văn hóa xin chữ ngày đầu Xuân đã được người Việt lưu truyền cả ngàn năm, với một lòng thành kính, trân trọng tri thức, hiền tài. Ấy vậy, để xin và cho chữ như thế nào cho đúng, còn nhiều chuyện đáng bàn.
Muôn kiểu xin, cho
Chỉ cần lưu lại một quầy xin chữ ở khu vực hồ Văn (quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám) chừng một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ chứng kiến được muôn kiểu xin, cho chữ ngày đầu năm. Trước năm 2015, các “cụ đồ”, sau này có cả các bạn trẻ thường là sinh viên một số trường đại học có đào tạo môn Hán Nôm cũng tham gia cho tại các lều chữ ở hồ Văn.
Tuy nhiên, do cứ sau mùng 2 Tết Nguyên đán, hàng vạn người thập phương đổ về đây tham quan di tích và xin chữ cho gia đình, bản thân, dẫn tới cảnh đông đúc, huyên náo. Để giảm tải và xóa bỏ sự lếch thếch, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để xin chữ, từ năm 2015, Ban Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mở hội chữ Xuân, đưa các thầy đồ qua khu hồ Văn (đối diện Văn Miếu Môn - cổng chính) để thuận tiện cho hoạt động này.
Ở hồ Văn những ngày này, hàng vạn người tấp nập vào ra, với đầy đủ nam phụ lão ấu, học sinh hay người lao động hay các vị quan chức cùng hòa mình vào những tấp nập, có phần ồn ào ở khu vực các quầy cho chữ. Với các bạn trẻ, thường là học sinh, sinh viên sẽ hoặc lựa chọn từ trước, hoặc được tư vấn các chữ phổ biến, như Đức, Trí, Tài, Tâm, Đăng Khoa, Khôi Nguyên hay Đỗ Đạt.
Nghĩa chung là hướng tới những kết quả tốt đẹp trong học tập, lối sống ngay ngắn, trọng nghĩa, trọng tình, biết trên, biết dưới. Với những trường hợp hành nghề kinh doanh, buôn bán, thường đến gặp các thầy đồ sẽ chú tâm tới chữ Lộc, Phát, Tín, với mong muốn có được nhiều lợi lộc trong năm mới cũng như giữ được tín nhiệm với các đối tác trong làm ăn. Hay các trường hợp tham gia chính trường, quan lộ, chữ Đạt sẽ được nhắc tới nhiều. Hoặc với những cụ cao niên, chữ Thọ sẽ chiếm phần lớn, cùng nguyện ước được trải nghiệm nhiều hơn với thời gian. Chữ An được nhiều gia đình ngỏ ý, cầu mong các thành viên trong nhà được tứ quý an lành.
Bình thường xin, cho chữ là thế. Nhưng theo quan điểm của những người hiểu biết chữ nghĩa, cái lộc xin, cho chữ đỉnh cao phải đến trong trường hợp “vô tình đi ngang qua” được thầy đồ gọi lại cho chữ. Kiểu “một anh mệnh thiên thượng hoả, ngày đầu năm du Xuân qua Văn Miếu, khi đi qua một quầy cho chữ được thầy đồ gọi lại cho chữ Nhẫn thì thật là phúc lộc quanh năm. Đấy mới là chữ duyên trong xin, cho chữ” - ông Vũ Ngọc Kỳ, bút hiệu Nam Phương nhấn nhả.
Ông đồ 70 tuổi còn học ông 71 tuổi
Nhắc đến ông Vũ Ngọc Kỳ, trong giới thư pháp hẳn nhiều người tỏ tường, nhưng chắc ít ai biết, ông chính là cháu gọi bằng bác ruột tác giả của bài thơ “Ông đồ” vô cùng nổi tiếng của nhà giáo Vũ Đình Liên, với mấy câu: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy dó/Bên phố đông người qua...”.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông đồ Nam Phương không chọn hồ Văn để cho chữ, ông lựa một quán nhỏ bên tả khu di tích Văn Miếu, căng một tấm pano có gắn tên tuổi và liên tiếp phải tiếp các vị khách đã biết đến trước đó. Cầm gói xôi đã nguột ngắt định ăn sáng khi đã chừng hơn mười giờ, ông Nam Phương lại thả xuống chiếc ghế nhựa bên cạnh để phục vụ một gia đình đến xin chữ An.
Khi khách đã vãn, ông đồ thư thả nói về tục xin, cho chữ. Theo ông Vũ Ngọc Kỳ, xin, cho chữ vốn rất cầu kỳ. Không phải muốn có Tâm xin chữ Tâm là xong. Chữ Tâm là nét chủ đạo của đạo học phương Đông, nói về tu thân, dưỡng tính, ứng nhân xử thế. Chữ Tâm như lời cảnh tỉnh, một lời răn, tự tạo cho bản thân những ranh giới để tránh những sai phạm có thể mắc phải. Bởi lẽ đó, khi xin chữ Tâm, từ người nhận đến người cho đều phải có cốt cách, hiểu được lễ nghĩa. “Một người sống không dựa theo chữ Tâm, cả xin và cho đều là phạm cả” - ông Nam Phương cho hay.
Luận bàn về hiện tượng gần đây, trong khu di tích xuất hiện nhiều thầy đồ tuổi đời non trẻ, với hầu hết là các sinh viên đến từ các trường đại học có đào tạo môn Hán Nôm cũng tham gia cho chữ, ông Nam Phương bình: “70 còn học 71. Viết đúng một chữ không khó, nhưng viết đẹp, viết hay, viết đúng người cần lại là câu chuyện khác”.
Luận giải, ông Nam Phương cho rằng, người cho chữ cần một quá trình trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, từ đó mới cho những chữ đúng đắn, chuẩn văn phong và ngữ nghĩa. Đơn cử khi viết chữ Bảo, chữ Quốc, phải hiểu nó nằm trong bộ chữ nào, ngữ nghĩa ra sao. Người biết, sẽ dùng chữ Bảo trong “Bảo Bối”, với một ý nghĩa quan trọng, quý báu. Người không biết, có thể viết trong bộ chữ thậm chí có nghĩa ngược lại.
Đồng tình với những lý lẽ này, ông đồ Nguyễn Văn Tư, Câu lạc bộ thư pháp Xuân Hồng cùng phân tích: “Mỗi một chữ cho đi, phải kèm theo đó là cả một câu chuyện dẫn giải, phụ họa, như vậy, chữ đó mới đầy đủ, đậm đà”. Cùng lúc, một thanh niên cỡ 22 đến 25 tuổi đến xin ông Tư chữ Phát. Như đã hiểu mong muốn của người xin và nhận thấy đây là một người trẻ tuổi, ông Tư mới họa đôi dòng: “Bộ Bộ Cao Thăng” và “Long Vân Đắc Lộ”.
Ông Tư luận giải: “Tuổi trẻ, chữ Phát là cần thiết, nhưng dục tốc bất đạt, nếu mong mỏi quá cấp tập, dễ dẫn đến thất bại hoặc hậu quả ngoài mong muốn. Bởi vậy, tôi mới gieo dòng Bộ Bộ Cao Thăng, tức tiến chậm nhưng chắc từng bước, từ đó sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao. Kèm theo Long Vân Đắc Lộ, tức rồng mây vần vũ, phối kết hợp sẽ tạo thành quả”.
Dù luôn cổ vũ cho các thế hệ trẻ tham gia vào thành phần kế cận trong sinh hoạt thư pháp cũng như cho chữ, song, ông Nguyễn Văn Tư chia sẻ, với các thầy đồ trẻ tuổi, họ thường viết theo yêu cầu, đề xuất từ phía xin chữ, khó khăn cho họ khi phải phân tích, giảng giải cặn kẽ thông tin liên quan đến chữ đã cho đi.
Ông Tư dẫn dụ: “Vừa rồi có một cô gái trẻ đến xin tôi chữ Tâm và bảo hoặc chữ gì giống giống thế cũng được. Qua quan sát, tôi thấy đây là cô gái có khuôn mặt đầy đặn, mắt sáng, cười rạng rỡ nên đã đề xuất đổi sang chữ An Nhiên, nghĩa mọi sự sẽ đến nhẹ nhàng, thư thái". Hoặc, theo ông Tư, các bạn trẻ cho chữ có thể sẽ gặp khó khăn nếu người xin chữ là một quan chức, muốn tiếp tục con đường quan lộ với nhiều thuận lợi, may mắn.
“Vậy chữ nào sẽ hợp với một quan chức thời nay, thưa ông? - tác giả bài viết đặt câu hỏi về phía thầy đồ Nguyễn Văn Tư. Ông Tư chậm rãi: “Quan lộ có nhiều vấn đề liên quan, như sức khỏe, tuổi tác, may rủi, tài chính, quan hệ. Nhưng, có lẽ những người này sẽ hợp nhất với chữ Công Tâm Luận Thế. Khi làm quan mà công tâm suy xét thì bách tính an yên, quan lộ cũng thuận buồm xuôi gió”.
Học chữ là xây dựng nhân cách
Cùng bàn về nét văn hóa giàu truyền thống này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho rằng, câu chuyện mỗi dịp Tết đến Xuân về, các trẻ em, học sinh thường đi cùng bố mẹ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ là nét văn hóa đẹp, cần gìn giữ và mở rộng.
Theo ông Tài, trong công tác đào tạo, ngay từ những ngày các cháu chập chững viết những nét chữ đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các chương trình tựa “nét chữ nết người”. Để tránh gây ra những áp lực không cần thiết cho các học sinh, phía Bộ không nâng thành các cuộc thi chữ đẹp, văn hay, nhưng từ hoạt động này, sẽ rất bổ ích cho các cháu trong việc rèn giũa tính chính trực, tính đạo đức, tính uống nước nhớ nguồn, biết giữ gìn văn hóa, truyền thống của dân tộc ngay từ những nét bút đầu tiên.
Là người được theo học thư pháp từ bé, thầy đồ Tuệ Tâm (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích, để có được những nét chữ chỉn chu và hiểu chữ, người học cần một quá trình lâu dài tu dưỡng, rèn luyện. Trong thư pháp, có muôn vàn kiểu thế, uyển chuyển, linh hoạt. Khi đã đạt được đến một ngưỡng nhất định, người học thư pháp sẽ tự tạo cho mình một phong cách thể hiện riêng biệt, phụ thuộc nhiều vào cá tính người viết.
Nói về văn hóa xin, cho chữ, thầy đồ Tuệ Tâm khẳng định, đây là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Với những người cho chữ, việc khai bút đầu năm chính là khai trí, khai tâm, mở ra những điều tốt đẹp nhất trong một năm, do vậy, sẽ luôn muốn gửi gắm cả những hoài bão, khát vọng của bản thân vào từng con chữ và mong muốn người xin chữ đón nhận.