Khó quản lý ý thức
Khó khăn của việc huy động sức người trong bảo vệ môi trường là độ phủ sóng không rộng rãi. Người dân tham gia dọn vệ sinh ngõ xóm, khu phố là điều rất tốt nhưng việc duy trì được bao lâu mới quan trọng, nhất là trong thời buổi dịch Covid-19.
Trên thực tế, phong trào toàn dân cùng tham gia bảo vệ môi trường, trước mắt là dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khu dân cư đã diễn ra từ lâu và đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Người viết từng chứng kiến một cuộc dọn vệ sinh vô tiền khoáng hậu đã biến thành buổi nhậu sớm. Vì đã cam kết với khu phố nên một nhóm người cũng ra quét dọn nhưng chỉ làm qua quýt rồi cùng nhau nhậu. Sau cuộc nhậu ngay tại chỗ đó, đã thải ra vỉa hè một lượng rác kha khá. Rác có gom thành một đống ở dưới lòng đường nhưng lượng thức ăn thừa bốc mùi mà nhân viên vệ sinh chưa kịp dọn cũng để lại mùi hôi thối cho những người xung quanh.
Như vậy, công tác bảo vệ môi trường trong dân cư vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Lượng rác thải sinh hoạt từ người dân luôn chiếm phần không nhỏ trong các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Bài toán rác thải luôn được xem xét dưới góc độ xã hội, song đứng về phía nhà quản lý thì cần có biện pháp hiệu quả hơn để chặn đứng tác động đến môi trường của tác nhân này.
Chủ thể cần phát huy sức mạnh
Vấn đề ứng xử của người dân trước môi trường sống của chính mình đã được đưa ra bàn thảo nhiều năm và cũng có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Tuy vậy, tính hiệu quả, nhất là ý thức của mỗi người thì vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm. Đúng là môi trường Thủ đô có cải thiện nhưng không thể nói là hoàn toàn tốt được. Chỉ cần đến các điạ điểm tồn đọng nhiều rác thải sinh hoạt như chợ đầu mối hay các khu ăn uống bình dân thì câu chuyện ý thức vẫn phải là giải pháp căn cơ nhất. Khi dịch bệnh chưa xảy ra, nếu chứng kiến các con đường quanh điểm bắn pháo hoa sau đêm giao thừa, ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022, tất cả xã hội phải chung tay vào cuộc. Lợi ích lớn nhất chúng ta nhìn thấy được là sự thay đổi về nhận thức và ứng xử của người dân trong bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả của cộng đồng dân cư phải làm mạnh hơn nữa chứ không thể để những sự việc ô nhiễm vẫn phát sinh hàng ngày. Đầu tiên, công tác bảo vệ môi trường của mỗi cộng đồng dân cư đều có tính chất riêng biệt và mỗi khu dân cư đều có tình hình thực tế. Sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong bảo vệ môi trường ở khu chung cư khác với một thôn, xóm. Nên thành lập tổ bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nhỏ, có liên hệ và gắn với các tổ chức chính trị - xã hội và nếu có người chuyên trách thì càng tốt.
Hiệu quả vừa qua trong phòng, chống dịch Covid-19 ở các tổ tự quản đã phần nào chứng minh tính hiệu quả của công việc này. Cần tuyên truyền mạnh mẽ về phát huy tình đoàn kết, gắn bó lẫn nhau, mỗi người cùng bỏ chút thời gian riêng tư ra để thu được lợi ích to lớn và quyền lợi chung cho cả cộng đồng.
Thứ hai, cần xây dựng làm điểm các mô hình bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, từ đó tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông để giáo dục thế hệ tương lai. Thứ ba, hình thành các tổ cung cấp thông tin về môi trường ngay trong khu dân cư. Trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin là quan trọng nhất. Ở đâu đang có ô nhiễm và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm cũng cần được thông tin nhanh, chính xác để tổ bảo vệ môi trường xử lý ngay, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư. Đây chính là mô hình đã có sự thành công ở khu vực nông thôn.
Tuy vậy, điều kiện sống của hai nhóm dân cư này khác nhau nên cần linh hoạt theo thực tế. Một lợi thế khác của các tổ bảo vệ môi trường cộng đồng, chính là nhắc nhở người dân phân loại rác trước khi được dọn đi. Việc phân loại rác tại nguồn là một hành động văn minh nhưng vẫn còn nhiều người chưa ý thức được, do đó cần có người nhắc nhở theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Một mô hình bảo vệ môi trường không thể hiệu quả nếu chỉ làm mạnh trong một thời gian.
Trên thực tế, đã có những lúc phong trào bảo vệ môi trường trong dân cư phát triển rất mạnh nhưng chỉ được một thời gian rồi lại trầm lắng. Nguyên nhân cũng vì không có người giữ lửa phong trào. Một ví dụ khác cho thấy hiệu quả của việc liên kết phong trào bảo vệ môi trường với các tổ chức chính trị - xã hội là kết hợp giữa công tác của Hội Phụ nữ và tổ bảo vệ môi trường. Bản thân chị em phụ nữ cũng là đối tượng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm và nhất là phân loại rác tại nguồn.
Một vấn đề quan trọng khác của việc phát triển công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư là việc tạo thêm nguồn lực tại chỗ để tăng hiệu quả hoạt động. Việc thành lập các tổ bảo vệ môi trường giúp giải quyết hiệu quả các công việc và sự cố môi trường ở khu dân cư, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống người đân như ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn…
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ: Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
Địa chỉ nhận bài viết dự thi: Ban Đô thị - Báo Kinh tế và Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 098.747.9898 hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com