Giữ thị phần bằng tăng niềm tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, để giữ vững thị phần, đòi hỏi DN trong nước phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) để từ đó phát triển hệ thống bán lẻ.

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn Trách nhiệm xã hội DN với chủ đề niềm tin NTD do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức ngày 17/9.

Lúng túng trước làn sóng “ngoại”

Thị trường bán lẻ Việt Nam thuộc top 5 thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Từ 1/1/2009, Việt Nam đã dần mở cửa thị trường bán lẻ, điều đó thu hút nhiều DN bán lẻ nước ngoài đầu tư. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, hệ thống phân phối hiện đại đã có gần 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại, trong đó có 22 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm 7% thị phần bán lẻ Việt Nam với những tên tuổi lớn như: Big C, Lotte, và mới đây là đại gia trong ngành bán lẻ Nhật Bản Aeon đặt mục tiêu đến năm 2020 mở hơn 20 trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, DN bán lẻ Thái Lan cũng vừa tiến hành đầu tư gần 900 triệu USD mua lại hệ thống siêu thị Metro…
Các Doanh nghiệp bán lẻ Việt hiện đang bị cạnh tranh lớn bởi các tập đoàn nước ngoài. Trong ảnh người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.opmart. Ảnh Thanh Vũ
Các Doanh nghiệp bán lẻ Việt hiện đang bị cạnh tranh lớn bởi các tập đoàn nước ngoài. Trong ảnh người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.opmart. Ảnh Thanh Vũ
Trước việc các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bán lẻ, nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng DN bán lẻ Việt Nam sẽ mất chỗ đứng. Lo ngại này xuất phát từ thực tế hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của DN Việt Nam tuy có nhiều cải tiến và được nâng cấp nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu... Bên cạnh đó, do thiếu tính liên kết nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các DN bán lẻ trong nước dẫn tới phát triển manh mún. 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch AVR cho rằng: Để có thể cạnh tranh được với DN bán lẻ nước ngoài, các DN Việt Nam nên tận dụng các thế mạnh vốn có của mình, như: Nắm bắt tốt hơn thị hiếu NTD, xác định rõ thị trường mục tiêu, có các hoạt động quảng bá thương hiệu bài bản, hiệu quả. Nhưng quan trọng hơn cả là DN phân phối phải liên kết với DN sản xuất trong việc cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, qua đó bảo vệ quyền lợi NTD. "Hoạt động này không chỉ giúp DN bán lẻ mở rộng thị phần mà còn hỗ trợ DN sản xuất chiếm lòng tin của NTD" - bà Loan nhấn mạnh. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: DN bán lẻ trong nước cũng như các nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao niềm tin của NTD với sản phẩm trong nước sản suất. Nếu làm được như vậy, DN trong nước không phải lo ngại DN nước ngoài có nguồn lực mạnh hơn, mà thị trường sẽ quyết định tất cả.

Điều đó cho thấy, để giữ vững thị phần, từ đó phát triển bền vững hệ thống bán lẻ, các DN trong nước phải quan tâm, xây dựng và củng cố lòng tin của NTD thông qua chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, nhà sản xuất, nhà phân phối phải đẩy mạnh liên kết trong mua, bán sản phẩm, tổ chức lại sản xuất nhằm tạo nguồn hàng ổn định cho hệ thống bán lẻ. Trước mắt, do DN Việt Nam có tiềm lực kinh tế yếu hơn DN nước ngoài nên cần đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị mini, đồng thời tổ chức nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi bảo đảm quyền lợi NTD sau bán hàng để giữ vững thị phần đã có…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần