Kết quả kinh doanh mới công bố của VietABank cho thấy một bức tranh khá khả quan trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 186 tỷ đồng, tăng 103 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến hết 30/6/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 77.124 tỷ đồng, tăng 677 tỷ đồng so với năm 2019; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 53.853 tỷ đồng, tăng 6.131 tỷ đồng (tăng 13%) so với năm 2019, đạt 101% kế hoạch; cấp tín dụng đạt 46.529 tỷ đồng, tăng 3.613 tỷ đồng (tăng 8%) so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch… Ban lãnh đạo ngân hàng tin tưởng và đang nỗ lực để lợi nhuận của VietABank sẽ đạt mức kế hoạch đã trình với cổ đông tại đại hội năm nay.
Kết quả kinh doanh của VietABank cho thấy một bức tranh khả quan trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp |
Bên cạnh việc đảm bảo tăng trưởng kinh doanh bền vững, VietABank tập trung nâng cao công tác điều hành. Theo đó, từ ngày 1/8/2020, ông Cù Anh Tuấn - người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong nước và quốc tế sẽ chính thức được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc ngân hàng; đồng thời HĐQT và Ban điều hành cũng đồng ý để ông Vũ Đức Hưng từ nhiệm Phó Tổng Giám đốc.
Trong tháng 7, VietABank đã ra mắt thẻ ghi nợ nội địa mang chuẩn chip VCCS và triển khai chương trình ưu đãi phí phát hành thẻ. Theo đó, khách hàng sẽ được miễn phí phát hành thẻ từ ngày 15/7/2020 đến hết ngày 15/9/2020 hoặc tới khi hết số lượng 1000 khách hàng đầu tiên.
Trước đó, tháng 12/2019, VietABank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Một gương mặt tầm trung khác là ABBank cũng vừa công bố kết quả 6 tháng với những nỗ lực đáng ghi nhận. Tính đến hết ngày 30/6/2020, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 628 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm. Các chỉ số kinh doanh khác ghi nhận sự ổn định trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Huy động từ khách hàng đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 5% so với đầu năm chủ yếu do tất toán giấy tờ có giá; dư nợ tín dụng đạt 63.011 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2019 và xấp xỉ với đầu năm.
Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 25.553 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm và tăng 15% so với cùng kỳ 2019; dư nợ nhóm khách hàng SMEs đạt 13.659 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm 2020 và ghi nhận mức tăng 24% so với cùng kỳ 2019.
Ở một nhóm khác, tại khối ngân hàng TMCP lớn, một số cái tên không chỉ duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà còn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận.
Đơn cử, tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý 2/2020 của Techcombank đạt 3.616 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 6.737 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Một số danh mục kinh doanh tang trưởng cao như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh. Cuối tháng 6, tại mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành là 38.170 tỷ đồng, tăng 25,6% so với đầu năm. Tương tự, ở mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành đạt 700 tỷ, tăng hơn 3 lần so với đầu năm.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 395.861 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 8% đạt 249.857 tỷ đồng. Techcombank tiếp tục thu hút được nguồn vốn huy động giá rẻ khi tiền gửi không kỳ hạn tăng 7% so với đầu năm, đạt 81.424 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ cũng tăng mạnh 25% lên 4.571 tỷ đồng. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA cuối tháng 6 đạt khoảng 34,4%.
Tương tự, tại VPBank, các giải pháp hữu hiệu kiểm soát hiệu quả hoạt động và rủi ro, đi cùng với những kịch bản kinh doanh chủ động thích ứng với diễn biến dịch bệnh và điều kiện của nền kinh tế là “bí quyết” giúp VPBank trụ vững trong nửa đầu năm 2020 và tiếp tục tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 vừa được ngân hàng công bố cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 18.854 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng này ở ngân hàng riêng lẻ đạt tới 12,7%. Đây là mức tăng trưởng bền vững và ấn tượng so với bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm tới nay. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 6.600 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch lợi nhuận đặt ra, trong đó, riêng ngân hàng mẹ đóng góp gần 4.200 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.