Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa đại dịch, Việt Nam vẫn là điểm đến của FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19 đang là thách thức to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong xu thế chung toàn cầu đều sụt giảm. Song niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) với Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố.

“Đại bàng” vẫn tăng vốn
Tính đến 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐT nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020... Thị trường vẫn đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn. Ví dụ tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai tại Quảng Yên (Quảng Ninh); hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào Khu công nghiệp Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang… Đầu năm nay, Tập đoàn LG cũng đã đầu tư 750 triệu USD vào Hải Phòng và đến cuối năm sẽ có thể thêm 1,5 tỷ USD nữa được rót vào đây.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Điện tử YPE Vina, Khu công nghiệp Bình Xuyên 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng
Do ảnh hưởng Covid-19, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, do đó vốn thực hiện trong tháng 8/2021 đã giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện vẫn tăng nhẹ, 2% so với cùng kỳ, ước đạt 11,58 tỷ USD.

Dịch bệnh làm cho một số NĐT phân vân. Tuy nhiên họ vẫn đang quan sát, quyết định đầu tư. Do vậy nói chúng ta đang lỡ mất cơ hội đón luồng dịch chuyển chưa hẳn đúng. Nhìn sang các nước trên thế giới và trong khu vực, một số quốc gia có sức cạnh tranh lớn với Việt Nam trong thu hút FDI, cũng đang khó khăn trong việc chống dịch bệnh.
Theo công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thu hút FDI toàn cầu đều sụt giảm 38% xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005. Khu vực châu Âu giảm tới 71%. Các nước ASEAN có sự giảm tương đối, tới 31%. Malaysia trải qua sự sụt giảm trong luồng vốn FDI tồi tệ nhất trong khối ASEAN, giảm tới 68%. Thái Lan giảm tới 50%...

"Điều quan trọng không phải là con số được bao nhiêu mà là xu hướng đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam. Xu hướng ở đây sẽ phụ thuộc vào niềm tin của NĐT vào nền kinh tế quốc gia. Và các NĐT đều đang tin tưởng và kỳ vọng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng bật trở lại. Việc FDI dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như này là điều rất bình thường, và dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế của Việt Nam phục hồi" - bà Dorsati Madani - chuyên gia cao cấp của WB nhận định.

TS Vũ Xuân Thanh, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư khi đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại trong thời gian vừa qua. Bên cạnh lợi thế về địa lý, dân số và độ phủ internet, Việt Nam có lợi thế đặc biệt khi có thể chế chính trị ổn định. Mới đây, nhà lãnh đạo quyền lực thứ hai tại Nhà trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào ngày 26/8/2021 mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế.

Tăng niềm tin của nhà đầu tư

Thực tế cho thấy dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngoài ra còn do chính sách chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam. Một tin tích cực cũng đã được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, trong 8 tháng năm 2021, tuy số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 36,8% và 11%) song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần.
Trong đó, việc suy giảm số dự án chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng năm 2021. Covid-19 khiến số dự án FDI vào Việt Nam giảm, nhưng nhờ thế, giúp sàng lọc được các dự án quy mô nhỏ, để ngóng chờ các dự án chất lượng hơn.

Theo lời Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, việc cần thiết bây giờ là Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là chúng ta nhanh chóng bật dậy, hồi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Làm sao để tới đây, Việt Nam sẽ đón được nhiều dự án lớn hơn và có chất lượng hơn nữa. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vaccine bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, chính sách…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng cần tập trung theo dõi, phát hiện các xu hướng mới trong và sau Covid-19 để điều chỉnh định hướng, chiến lược phát triển cho phù hợp với “trạng thái bình thường mới". “Chẳng hạn các vấn đề như chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xanh, kinh tế số, phát triển bền vững cần được nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trường hợp dự án đầu tư không thực hiện đúng cam kết và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt, tổ chức kinh tế sẽ không được áp dụng ưu đãi hoặc phải bồi hoàn ưu đãi đã hưởng.