Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa khó khăn, xuất khẩu nông sản vẫn bội thu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những khó khăn của thị trường, xuất khẩu nông sản 11 tháng đã qua của năm 2022 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Xuất khẩu ước đạt 49,04 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT sáng 30/11 cho thấy, 11 tháng đã qua của năm 2022, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp bởi tác động của xung đột Nga - Ukraine, chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai những giải pháp nhằm ổn định phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.

Bưởi là trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ.
Bưởi là trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ.

Nhờ kịp thời đánh giá tình hình và triển khai đồng bộ các giải pháp, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tính chung 11 tháng qua ước khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%...

Đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%), cá tra 2,2 tỷ USD (tăng 61,9%), tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9,0%)…

Châu Á vẫn chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ 44,7%. Tiếp đến là châu Mỹ (27,4%), châu Âu (11,3%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,7%). Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD (chiếm 25,0% thị phần); đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD (chiếm 7,9%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Bảo đảm nguồn cung dịp Tết Quý Mão 2023

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, từ nay đến cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu được quan tâm. Trong đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc; đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc. 

 

11 tháng đã qua của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam ước đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu ước khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%. Xuất siêu 11 tháng qua ước đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam xuất khẩu. Tiếp tục phối hợp hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp về các điều kiện xuất khẩu trái bưởi sang Mỹ; đây cũng là trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang quốc gia Bắc Mỹ này.

Cùng với tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các nước, khu vực trên thế giới, Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện tốt các Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước; Đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng…

Liên quan đến thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước, vật tư (thịt lợn, gạo, phân bón, thức ăn chăn nuôi), các mặt hàng đang có biến động về giá (hồ tiêu, cá tra, cà phê, thịt gia cầm), nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.