Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa Sài Gòn, càng thấy nhớ đồng đội hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dễ đến gần chục cuộc hẹn từ giữa tháng 3, nhưng phải “phục kích” mãi, chúng tôi mới gặp được Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4, từng là Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh).

Năm mới đến giờ, ông luôn có những chuyến đi dài, thăm chiến trường xưa, gặp mặt truyền thống, tham gia hội thảo từ miền Trung, Tây Nguyên cho đến TP Hồ Chí Minh. Càng đến gần ngày kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông càng bận rộn hơn và cũng khiến ông thêm nhớ về bao đồng đội đã mãi mãi nằm xuống trên mọi nẻo đường Tổ quốc.

Hành quân thần tốc bằng… xe đạpGiữa Sài Gòn, càng thấy nhớ đồng đội hơn - Ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể: Sau khi quân ta chiếm được Buôn Mê Thuột, ngụy quân bắt đầu tháo chạy, chấp nhận bỏ Tây Nguyên để giữ bằng được khu vực Trung Trung Bộ. Nắm được tình hình này, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo cho các lực lượng của Mặt trận Tây Nguyên phải khẩn trương bám sát, truy kích địch, nhất quyết phải tiêu diệt tập đoàn rút chạy này để tạo thế mới, lực mới. Quân địch tiếp tục xáo trộn, ùn tắc, mất tinh thần thêm ở Cheo Reo, Phú Bổn. Suốt từ ngày 16 – 24/3, bằng nhiều trận đánh chia cắt quân địch ở đây, mở một đợt truy kích địch có thể nói là lớn nhất của nước ta, tính đến thời kỳ đó, ở chiến trường Đông Dương là chưa từng có, tiêu diệt một tập đoàn rút chạy của kẻ địch. Kết quả là đầu tháng 4/1975, ta đã quét sạch địch từ Trị Thiên đến Khánh Hòa, khiến ngụy quân như một con rắn lớn bị chặt thành 3 khúc. Chiến thắng vượt ngoài dự liệu, tạo đột biến chiến lược rất lớn để giải phóng miền Nam.

Chớp cơ hội ngàn vàng, T.Ư yêu cầu Quân đoàn 3 chậm nhất ngày 25/4 phải có mặt ở Bắc Sài Gòn hợp lực cùng các cánh quân khác. Quân đoàn 3 lúc ấy có 3 vạn quân, nhưng đóng trải dài hàng trăm kilômét ở 7 tỉnh, trong khi phương tiện chỉ có 1.000 xe tải, chỉ đáp ứng được phần nào. Còn nếu hành quân bộ, cả tháng mới đến được mục tiêu. Bộ Tư lệnh Quân đoàn yêu cầu các đơn vị tìm mọi phương tiện có thể… lăn bánh để lên đường. Dù mới giải phóng được một ngày, nhưng ở đâu, người dân cũng rất nhiệt tình, đưa tất tần tật từ xe máy, xe đò, xe lam, thậm chí cả xe đạp ra phục vụ bộ đội, chỉ xin chữ ký của quân giải phóng làm bằng chứng mà thôi. Thế mới thấy tình cảm, khát vọng tự do của Nhân dân thật lớn lao.

Nghe tin được về giải phóng Sài Gòn, anh em háo hức lắm. Tuy nhiên, có một bộ phận phải ở lại các địa bàn truy quét tàn quân và giữ an ninh, số ấy thấy mình thiệt thòi, bứt rứt lắm. Thế là cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn chủ lực diễn ra thật kỳ lạ, thật hùng tráng. Chỉ có cơm vắt, lương khô, áo quần hầu như tả tơi, mặt mũi lấm lem bởi cả tháng trời mải đánh địch mà chưa có thời gian để tắm. Nhưng khí thế ngút trời, lòng người phơi phới.

Đến Sài Gòn, chưa kịp nghỉ ngơi, Sư đoàn 320 tham chiến ngay ở Đồng Dù - nơi được coi là cánh cửa thép của “Hòn ngọc Viễn Đông”, trong khi Sư đoàn 10 thọc sâu vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Chiều 29/4, lực lượng chủ lực đến ngã ba Bà Quẹo, tiếp cận được sườn trái sân bay, nơi tập trung lực lượng dù tinh nhuệ nhất của địch. Lúc đó, Bộ Tổng Tham mưu đưa ra 5 mục tiêu chiến lược gồm: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu địch, Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát và Biệt khu thủ đô. Đến trưa 30/4, Trung đoàn 28 và 24 của Sư đoàn 10 đã làm chủ sân bay và Dinh Độc lập. Cùng lúc, Quân đoàn 1 cũng đã mở được đường vào từ Lái Thiêu, qua Gò Vấp hội quân ở đấy. Giữa hai làn đạn đầy hiểm nguy, thật kỳ lạ là người dân bất chấp tất cả, trên tay đều cầm cờ đỏ sao vàng đón chào quân giải phóng. Dọc đường Lê Văn Duyệt có lúc ùn ứ vì dân ra quá đông, chuẩn bị cơm nắm, hoa quả tung vào xe cho bộ đội, tình cảm thật chứa chan.

Nhớ những người ngã xuống

Giọng đầy xúc động, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể: “Khoảng 9 giờ 45 phút ngày 30/4, khi cuộc chiến còn diễn ra ác liệt, Dương Văn Minh đã đề nghị ngừng bắn thương lượng, nhưng không được quân ta chấp nhận. Sau này, có ý kiến cho rằng, Dương Văn Minh có công để bớt đổ máu, nhưng theo tôi không phải. Bởi nếu lúc ấy, địch đầu hàng ngay thì sẽ tránh được thương vong rất nhiều. Biết bao đồng đội của tôi đã hy sinh, biết bao người mẹ, người vợ mất con, mất chồng trong những giờ phút cuối cùng ấy. Trận nào hy sinh cũng đau xót cả, nhưng hình ảnh người chiến sĩ ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng càng khiến chúng tôi đau lòng, day dứt hơn cả”.

Lặng đi một lúc, ông tiếp: Từ Hóc Môn về ngã tư Bảy Hiền, chúng tôi ngồi trên xe tăng tiến về dinh Độc lập, đi qua Trung tâm huấn luyện của ngụy đã được giải phóng. Với tinh thần nhân ái, khoan dung, không tắm máu trả thù, nên hai vạn ngụy quân ở đây được yêu cầu bỏ vũ khí và thả về. Chúng đi hai bên đường, vứt giày dép la liệt, cầm áo vẫy đầu hàng, quỳ xuống khi thấy xe tăng quân giải phóng, trong khi chỉ mấy ngày trước thôi, đây còn là đội quân hùng mạnh. Nhìn hình ảnh ấy mới cảm nhận rõ được chế độ ngụy quân, ngụy quyền đã thực sự sụp đổ, xúc cảm thật mãnh liệt.

Khi chúng tôi hỏi về ngày đầu của quân ta sau khi Sài Gòn được giải phóng, ông bảo: “Phấn khởi đấy, nhưng không có ăn mừng gì cả. Các đơn vị được lệnh bảo vệ toàn bộ những mục tiêu quan trọng. Đêm 30/4, cơm vẫn chưa có ăn, ai cũng phải căng mắt ra đề phòng, chẳng được ngủ chút nào cả. Rồi cả tháng sau, ngày nào bộ đội cũng phải vừa đi truy quét tàn quân, vừa tuyên truyền vận động chúng ra hàng, nên thành ra ở Sài Gòn thật đấy, nhưng có biết chỗ nào đâu!”.

Rồi mắt ông ngân ngấn nước. Ông nói, thực ra lúc ấy nhớ về chiến trường Tây Nguyên 10 năm đầy gian khổ. Có những lúc gạo, đạn không tiếp tế vào được, đói khát, bệnh tật đủ bề. Nhưng vẫn chiến đấu anh dũng, quả cảm lắm, chắt chiu từng trận thắng một. 3 vạn liệt sĩ đã nằm xuống, máu và đất đã hòa làm một. Giữa Sài Gòn, càng thấy nhớ đồng đội, thấy được sự hy sinh của bộ đội cùng Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã được đền đáp xứng đáng khi quân ta giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước.

Chẳng thế mà dù năm nay đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hễ có gia đình thân nhân liệt sĩ nào đề nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn sẵn sàng giới thiệu, chỉ dẫn, thậm chí là vào tận chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Với ông, việc ấy vừa là trách nhiệm, niềm an ủi, vừa là sự tri ân với những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước.