Giữa “sóng” Covid-19, kinh tế Hà Nội vững vàng đi lên

Nguyễn Văn Phái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp, kinh tế Hà Nội vẫn vững vàng đi lên với những con số ấn tượng.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,91%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng GRDP của 6 tháng đầu năm 2020 (2,92%). Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, kết quả tăng trưởng đã đạt được là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả các giải pháp của TP Hà Nội trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù xuất hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhưng thực hiện “mục tiêu kép”, TP Hà Nội đã nỗ lực khoanh vùng, kiểm soát, khống chế dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất. TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; chủ động triển khai các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,5% so với 6 tháng đầu năm 2019). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tàu kinh tế của TP, tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%; khai khoáng tăng 4,5%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong Quí II cao hơn so Quí I (Quí I tăng 7,7%, Quí II tăng 9,7%).

Về xây dựng, đầu tư, mặc dù TP Hà Nội có nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển nhưng tốc độ giải ngân còn chậm; ước tính tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của ngành xây dựng đạt 7,34% (quý I tăng 7,92%, quý II tăng 6,95%), cao hơn mức tăng 6,55% của cùng kỳ năm 2020. 

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,9%). Vốn đầu tư phát triển từ khu vực Nhà nước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với 6 tháng đầu năm 2020; vốn ngoài Nhà nước đạt 88,9  nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%;  vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%.

Thương mại, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, nhất là các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, vận tải. Tuy nhiên, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như kích cầu nội địa, đẩy mạnh kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố nên đã giảm thiểu tác động tiêu cực của nạn dịch Covid-19.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 289,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 23,8 nghìn tỷ đồng, tăng  2,8%; doanh thu các dịch vụ khác 66,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%.

 Số liệu theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội. Minh họa: Như Hương

Trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, do lượng khách du lịch giảm mạnh do dịch Covid-19 nên doanh thu dịch vụ lưu trú chỉ đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 34,3%. Chỉ có doanh thu ăn uống đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với 6 tháng đầu năm 2020. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 66,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Cũng như du lịch cả nước, du lịch Thủ đô là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19. Tết Nguyên đán và nhất là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được xem là thời điểm quan trọng, khởi đầu cho mùa du lịch sôi động của TP Hà Nội.

Trên khắp các điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội tích cực đưa ra những gói kích cầu hấp dẫn. Tuy nhiên, sự xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng ngay trước kỳ nghỉ lễ (tháng 1 và tháng 4) đã khiến lượng khách trong nước đến Hà Nội giảm mạnh. Nhiều khách du lịch chủ động hủy tour, các khu, điểm du lịch cũng hủy tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội tập trung đông người để phòng, chống dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ có 101 nghìn lượt khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) đến Hà Nội, giảm tới 85,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng chỉ có 1.375 lượt khách, giảm 18,9% so với 6 tháng đầu năm 2020. 

 Số liệu theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội. Minh họa: Như Hương

Tình hình kinh doanh khách sạn cũng sa sút so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Hà Nội đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4.026 triệu USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.138 triệu USD, tăng 15%.

Một số mặt hàng chủ yếu của TP Hà Nội tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU như: điện thoại và linh kiện đạt 177 triệu USD, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước (tăng 101,4%); giày dép đạt 176 triệu USD, tăng 47,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 313 triệu USD, tăng 22,3%;  thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 199 triệu USD, tăng 21,9%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 885 triệu USD, tăng 16,8%.  

 Số liệu theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội. Minh họa: Như Hương

Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các nước là đối tác lớn, nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như: máy vi tinh, hàng  điện tử và linh kiện đạt 893 triệu USD, giảm 11,3%; hàng dệt may đạt 815 triệu USD, giảm 2,6%; hàng nông sản đạt  383 triệu USD, giảm 11,9%; nhóm hàng xăng dầu chỉ đạt 287 triệu USD, giảm nhiều nhất, tới 29,5% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của TP Hà Nội đạt 16,7 tỷ USD tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 13 tỷ USD, tăng 21,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 18,9%. 

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của TP Hà Nội tăng trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước là: máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3,144 triệu USD, tăng 27%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,355 triệu USD, gấp 2 lần 6 tháng đầu năm 2020 (tăng 101,1%); máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 1,183 triệu USD, tăng 17,2%;  xăng dầu 1,063 triệu USD, tăng 6,2%; sắt thép 708 triệu USD, tăng 5,6%; chất dẻo 683 triệu USD, tăng 24,5%. Không có nhóm hàng nào giảm so với 6 tháng đầu năm 2020.

 Số liệu theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội. Minh họa: Như Hương

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021, số lượt hành khách vận chuyển đạt 173,4 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 4.520 triệu lượt hành khách/km, tăng 3,1%; doanh thu đạt 8.468 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%.

 Số liệu theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội. Minh họa: Như Hương

Vận tải hàng hóa, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 442,2 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 38,6 tỷ tấn, tăng 5%; doanh thu đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước…

Để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2021 đòi hỏi các, cấp, các ngành, các địa phương của TP Hà Nội cần tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các Văn bản, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.