Cảnh sát khu vực số 2, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) Mai Trọng Khánh gặp gỡ đối tượng cai nghiện ma túy để thăm hỏi về cuộc sống, công việc cũng như việc chấp hành pháp luật. Ảnh: Trần Oanh |
Năm 2021, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn quận Tây Hồ tiếp tục được kiềm chế, không để phát sinh hình thành, tồn tại điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự cũng như tệ nạn mại dâm. Hiện nay, trên địa bàn quận có 420 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong 9 tháng năm 2021, quận Tây Hồ đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án Nhân dân quận xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy đối với 35/25 đối tượng nghiện ma túy, đạt 140% chỉ tiêu TP giao. Các phường tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 53/55 đối tượng, đạt 96,3% chỉ tiêu; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 29/30 đối tượng, đạt 96,6% chỉ tiêu TP giao.Trưởng phòng LĐTB&XH Tây Hồ Dương Văn Trường cho biết, quận xác định tính chất, mức độ, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm hình sự nói chung và công tác phòng chống ma túy nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng công an Nhân dân. Với vai trò, chức năng của mình, Phòng LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an quận chủ động tham mưu UBND quận, Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 197 xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.Phòng LĐTB&XH Tây Hồ còn chủ động tham mưu UBND quận ban hành quy trình nội bộ “Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy của TP Hà Nội” và xây dựng mô hình “Tình nguyện giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn quận”. Trong đó, Phòng LĐTB&XH Tây Hồ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận rà soát, đề xuất cho thân nhân người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công được vay vốn để tạo việc làm. Mô hình quản lý sau cai nghiện ma túyCông tác quản lý sau cai nghiện ma túy ở quận Tây Hồ thời gian qua đã đạt được kết quả hết sức khả quan. Để những người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng và có công việc nuôi sống bản thân, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận rà soát, đề xuất cho 6 hội viên phụ nữ vay vốn tạo việc làm cho con, chồng là người cai nghiện ma túy thành công với số tiền 300 triệu đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình, giúp đối tượng yên tâm làm ăn, sinh sống. Đến nay, các hội viên vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh đảm bảo cuộc sống và đặc biệt hơn con, chồng của họ tu chí làm ăn, tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt hơn. Anh Mai Trọng Khánh - cảnh sát khu vực số 2 (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) chia sẻ, trên địa bàn có anh P.Q.Đ (tổ 11) cai nghiện thành công, có vợ được vay vốn kinh doanh. Theo đó, năm 2010, sau khi đi cai nghiện bắt buộc 2 năm trở về nhà, P.Q.Đ đã được Công an phường vận động uống thuốc Methadone. Hơn 10 năm dùng thuốc Methadone, được sự quan tâm, quản lý, tư vấn của cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, cán bộ phụ nữ, Ph.Q.Đ đã đoạn tuyệt ma túy, mở cửa hàng cắt tóc nam, lập gia đình, có hai con, cuộc sống hạnh phúc. Chị N.T.T.P là vợ của anh P.Q.Đ xúc động bộc bạch: “Năm ngoái, tôi được Hội Phụ nữ phường bảo lãnh để ngân hàng cho vay 70 triệu đồng đầu tư trồng quất cảnh và kinh doanh mỹ phẩm. Anh Đ mỗi sáng đều đi uống Methadone ở Trung tâm Y tế quận sau đó về cửa hàng cắt tóc, thu nhập 200.000 đồng/ngày. Nhờ có công việc ổn định, được điều trị Methadone nên anh Đ béo khỏe ra”.P.Q.Đ, P.Đ.K và 3 đối tượng khác trên địa bàn tổ 11, phường Tứ Liên cai nghiện ma túy thành công có vai trò rất lớn của công an, cảnh sát khu vực, Hội Phụ nữ và thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện triển khai mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”. Bà Lê Thị Minh Chuyền - tình nguyện viên được phân công quản lý các đối tượng sau cai ở tổ 11 phường Tứ Liên phấn khởi cho biết: "Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi chuyện công việc, gia đình, tạo điều kiện cho vợ anh Đ được vay vốn làm ăn. Hàng ngày, ngoài việc cắt tóc, Đ cùng vợ kinh doanh, chăm con, nấu ăn. Cũng nhờ có công việc ổn định, duy trì uống Methadone đều đặn nên sức khỏe của anh Đ rất tốt, biết tu chí làm ăn, tránh xa tệ nạn ma túy".Để công tác cai nghiện may túy và quản lý sau cai nghiện đạt kết quả cao, hoàn thành vượt kế hoạch TP Hà Nội giao, trong 3 tháng cuối năm 2021, UBND quận Tây Hồ sẽ đôn đốc UBND các phường triển khai thực hiện mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”. Quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống ma túy, mại dâm. Đồng thời phân công, theo dõi và giúp đỡ hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy để tái hòa nhập cộng đồng, giảm dần số người nghiện ma túy trên địa bàn quận.