70 năm giải phóng Thủ đô

Giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng thật

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc thường xuyên tổ chức trưng bày hàng giả - hàng thật với đa dạng chuyên đề hàng hóa, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã giúp người tiêu dùng nhận diện cơ bản hàng giả - hàng thật, giảm rủi ro khi mua sắm.

Trang bị kiến thức cho người tiêu dùng

Sáng 12/4, khá đông người tiêu dùng đến tới 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm (Hà Nội), là nơi Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức phòng trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường”.

Giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng thật - Ảnh 1
Giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng thật - Ảnh 2
 

Người tiêu dùng tham quan tại phòng trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường” tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 12/4. Ảnh: moit.gov.vn

Đây là sự kiện giúp người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện, phân biệt Sâm Ngọc Linh trồng tại tỉnh Kon Tum và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác.

Là người có sở thích sưu tầm các loại sâm, ông Phạm Văn Hùng (ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, chỉ cần gõ “Sâm Ngọc Linh” là vô số các bài viết, hình ảnh liên quan sẽ được hiện ra với nhiều sản phẩm, chủng loại, từ củ tươi, củ khô, lá sâm đến cả rượu và các sản phẩm chiết xuất từ sâm. Thị trường không khác nào ma trận, nếu người tiêu dùng không nắm bắt được kiến thức cơ bản về phân biệt hàng giả - hàng thật thì rất dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang”.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, có đến hơn 90% các sản phẩm Sâm Ngọc Linh được giới thiệu, chào bán trên thị trường (cả hình thức truyền thống và mạng xã hội) là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng, không phải là sâm được trồng trên đỉnh Ngọc Linh.

Sâm được trồng ở các tỉnh Lai Châu, Sapa (Lào Cai) hay được trồng ở Lào, Vân Nam (Trung Quốc)... được các cơ sở kinh doanh thu mua hô biến, hoán đổi thành Sâm Ngọc Linh, Kon Tum để bán giá cao hơn, đánh lừa người tiêu dùng.

Cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn người dân phân biệt hàng giả - hàng thật. Ảnh: moit.gov.vn
Cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn người dân phân biệt hàng giả - hàng thật. Ảnh: moit.gov.vn

Trước đó, đầu tháng 3/2023, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tổ chức trưng bày với chuyên đề “Nhận diện hóa - mỹ phẩm trên thị trường” với hơn 500 sản phẩm của hơn 30 nhãn hiệu. Đây là các sản phẩm dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa, thực phẩm chức năng, sản phẩm dưỡng da, làm đẹp… đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ trong thời gian qua.

Thường xuyên tham quan phòng trưng bày mỗi khi có đợt tổ chức chuyên đề, chị Phạm Thị Tuyết (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho hay: "Nhiều sản phẩm giả được làm rất công phu, tỉ mỉ. Nếu không có sản phẩm thật để so sánh, chúng tôi rất khó để phân biệt, dễ mua, sử dụng phải hàng giả, hàng vi phạm. Lĩnh hội nhiều thông tin bổ ích từ cán bộ quản lý thị trường, tôi đã chú ý hơn khi lựa chọn, sử dụng sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt lưu ý tem nhập khẩu và thận trọng khi mua hàng xách tay giao bán trên mạng xã hội”.

Từng bước đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái

Mở phòng trưng bày hàng giả - hàng thật là một trong những giải pháp mới được Tổng cục Quản lý thị trường triển khai từ cuối tháng 11/2021 đến nay, bước đầu đem đến hiệu quả tích cực. Hàng chục chương trình đã được tổ chức, trưng bày hàng nghìn sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao và được ưa chuộng trên thị trường nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả và giảm rủi ro trong mua sắm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, phòng trưng bày nhận diện hàng giả- hàng thật cung cấp thông tin, cách nhận biết để người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện được các dấu hiệu hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu...

Hoạt động này cũng tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, những thông tin về các địa chỉ bán sản phẩm uy tín, chính hãng cũng được cung cấp cho người tiêu dùng để giúp họ tránh mua phải hàng giả, hàng nhái của một số sản phẩm.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, những sản phẩm là hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng thiết yếu (mì chính, dầu ăn… là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, do đó có nguy cơ bị làm giả rất nhiều. Nhất là từ khi mạng xã hội trở thành kênh bán hàng phổ biến, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và chuyển cơ quan công an hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng với số lượng lớn.

Nhằm đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chú trọng hơn công tác tuyên truyền.

Cụ thể, song song với tiếp tục tổ chức phòng trưng bày nhận diện hàng giả – hàng thật, lực lượng tăng cường phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng. Đồng thời, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

 

Người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các kênh online. Hiện nay, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh