[Kỹ năng sống]

Giúp trẻ đón Tết vui vẻ, an toàn

Thạc sĩ Đinh Thạc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên Đán đánh dấu một năm mới bắt đầu với nhiều niềm vui và ước mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhân dịp này, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu ý nghĩa của Tết cổ truyền, cũng như giúp trẻ tham gia Tết một cách chủ động và tích cực.

Giúp cha mẹ dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa: Năm hết Tết đến, điều cơ bản đối với mọi gia đình Việt Nam là dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, tươm tất và sạch sẽ để ngôi nhà trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người. Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia những việc làm này theo khả năng và lứa tuổi của trẻ bằng cách phân công trẻ làm những công việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, tự gấp quần áo, lau bàn học, xếp gọn đồ đạc trong phòng, dán hoa trang trí, treo câu đối…

Hướng dẫn trẻ chúc Tết ý nghĩa: Với từng đối tượng cha mẹ sẽ hướng dẫn trẻ từng câu chúc Tết sao thật phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Để thể hiện sự kính yêu của con cháu đối với ông bà thì dạy trẻ câu: “Con kính chúc ông bà thật nhiều sức khỏe, sống lâu trăm tuổi”; để thể hiện sự yêu thương dành cho cha mẹ trẻ có thể chúc: “Con kính chúc cha mẹ luôn an vui hạnh phúc”; hay để thể hiện lòng yêu quý anh chị trẻ có thể chúc câu: “Em mến chúc anh chị may mắn, làm ăn phát tài”. Cha mẹ có thể tranh thủ hướng dẫn và chỉ dạy cho trẻ phong tục chúc Tết những lúc rảnh rỗi, khi cùng trẻ làm việc nhà, hoặc vào những giờ kể chuyện trước khi đi ngủ để trẻ dần quen và hiểu được ý nghĩa của hoạt động này.

Giải thích và hướng dẫn trẻ phong tục nhận “bao lì xì” đầu năm mới: Để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của phong tục lì xì, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng dịp năm mới trẻ thường được nhận lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành. Quan trọng hơn nữa là cha mẹ hãy dạy trẻ mỉm cười và biết nói lời cảm ơn đến những người đã gởi phong bao lì xì cho mình.

Không để trẻ thức quá khuya: Vào những ngày Tết, trẻ được nghỉ học nên thường không có khái niệm về thời gian, không chú ý việc đi ngủ đúng giờ, cha mẹ phải luôn nhắc nhở trẻ đi ngủ đúng giờ, không nên thức quá muộn, hay ngủ quá khuya sẽ rất có hại cho sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt về hệ thần kinh.

Không để trẻ ăn quá nhiều thức ăn ngọt: Trẻ ăn ngọt nhiều quá vốn dĩ đã dư cân trước đó sẽ nhanh chóng bị tăng cân béo phì dịp sau Tết. Chưa kể, những tình huống trẻ ăn hoặc uống quá nhiều đồ ngọt có thể gặp những phiền phức cho hệ tiêu hóa như: Trẻ bị đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy cấp.

Không để trẻ vui chơi giải trí quá độ, nhất là chơi game và xem ti vi: Phụ huynh chú ý, không nên để trẻ dưới 2 tuổi xem ti vi hoặc tạo thói quen cho trẻ lớn xem chỉ ti vi trong khoảng 2 - 4 tiếng đồng hồ trong một ngày. Với trẻ lớn chỉ nên cho trẻ chơi các trò chơi điện tử tối đa trong vòng 1 giờ sau khi trẻ đã hoàn thành các phần việc được cha mẹ giao trong ngày Tết như quét dọn nhà cửa, rửa chén, lặt rau, tưới nước chậu hoa Tết…

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần