Đại diện Phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản (Bộ TT&TT) cho hay, Bộ đã nắm được sự việc về cô đồng T.H xem bói và đang xử lý từng bước về vụ việc.
Trong trường hợp vi phạm, chủ kênh T.H phải chủ động gỡ video. Nếu cá nhân không gỡ video, các đơn vị của Bộ TT&TT sẽ phối hợp với những nền tảng xuyên biên giới hạ video xuống. Ngoài ra, vẫn có biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn video vi phạm.
"Ngoài việc truyền bá mê tín dị đoan, thông tin sai sự thật phải xác minh xem clip có xúc phạm nhân phẩm đến ai không? Mọi thứ phải từng bước và không vội vàng được. Tôi cũng phải xem các clip lan truyền trên mạng và tập hợp lại để đối chiếu với các quy định của pháp luật, từ đó, mới tiến hành xử lý toàn diện và chính xác. Kết quả xử lý thế nào, chúng tôi sẽ thông báo sau" - đại diện Phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản (Bộ TT&TT) cho biết.
Trước đó, ngày 8/2, lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn - tỉnh Hải Dương, cho biết đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh, làm rõ thông tin cô đồng T.H. ở phường Hiến Thành, phát trực tiếp bổ cau với mục đích xem bói, có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Theo lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.
Theo khảo sát trên mạng xã hội như Facebook có đến hàng trăm hội, nhóm xem bói với đủ hình thức như: Bói bài Tarot; xem bói chỉ tay, tướng số; xem bói lá trầu, quả cau. Cùng với đó là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tài khoản tự xưng là "thầy bói", "cô, cậu"... Số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người. Đặc biệt, những ngày đầu năm mới, dịch vụ xem bói online càng nở rộ trên mạng xã hội.
Trên TikTok, hoạt động xem bói online cũng nở rộ không kém. Trên thanh công cụ tìm kiếm, hashtag #tarot (45,5 tỷ lượt xem), #tuvi (4,7 tỷ lượt xem), #xemboi (gần 552 triệu lượt xem) đều rất phổ biến.