Gỡ “bức trần vô hình”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên nội dung mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội.

Điều này khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả xã hội đối với phụ nữ, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ, nhưng cũng cho thấy giữa quy định của pháp luật và việc triển khai trong thực tế còn có khoảng cách cần được điều chỉnh.
 Ảnh minh họa
Thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Với các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính, đã tạo ra những “điểm sáng” về bình đẳng giới (BĐG)… Nhưng cũng thống kê cho thấy, có đến 2/3 trong số 22 chỉ tiêu trong chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề đặt ra không đạt hoặc không “đong đếm” được, khiến các ĐB Quốc hội không khỏi băn khoăn.

Quyền bình đẳng của phụ nữ được quy định trong pháp luật tương đối đầy đủ nhưng trong nhiều trường hợp chị em khó có cơ hội để thực hiện quyền đó cũng bởi yếu tố giới. Nhiều rào cản đã được chỉ ra khi phụ nữ vẫn chịu gánh nặng “kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình. Những sự “bất bình đẳng” vẫn hiển hiện ở nhiều lĩnh vực. Như về việc làm, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công thường hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (4,82 triệu đồng so với 5,48 triệu đồng). Số lượng phụ nữ giữ các vị trí cấp cao, vị trí quan trọng đã cải thiện nhẹ, song kết quả chưa đều, chưa ổn định...

Nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, bức trần kính vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn còn hiện diện cả trong gia đình và xã hội, đã tạo rào cản mà nhìn bề ngoài thì không thấy, khó thấy nhưng không dễ để vượt qua. Nhiều người, nhiều đơn vị đã coi công tác BĐG chỉ là của Hội phụ nữ, nói đến BĐG là nói đến phụ nữ, chuyện BĐG là của phụ nữ và vì vậy nam giới ít tham gia, ngại tham gia. Ví như đội ngũ công chức làm công tác BĐG trong ngành LĐTB&XH cũng trên 70% là nữ.

Vẫn biết rằng, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, tạo ra cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho giới mình, nhưng quan trọng là, các chính sách từ vĩ mô đến vi mô phải xây dựng trên cơ sở làm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về những cơ hội, để cho người phụ nữ có thể vươn lên khẳng định vị thế làm chủ mình, chủ DN hay lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền Nhà nước. Đồng thời, qua 10 năm thực hiện Luật BĐG có nhiều quy định đã không còn phù hợp. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của Luật cho phù hợp tình hình thực tiễn và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Trong đó, cần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế lao động việc làm. Từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Và để đạt được các mục tiêu chung về BĐG cần phải có sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng một cách đồng bộ thống nhất, chỉ khi đó kết quả đạt được mới không bị khập khiễng như trong những năm qua.