Thực tế này đòi hỏi DN gỗ Việt khi sản xuất hàng xuất khẩu phải làm đúng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu nếu không muốn hứng chịu hậu quả nặng từ các vụ kiện PVTM có thể xảy ra.
Doanh nghiệp gỗ Việt đứng ngồi không yên
Mới đây (ngày 22/8),) Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra gỗ dán được làm từ gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc (được sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp). Cụ thể, DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty "không phản hồi" và 14 công ty "không hợp tác".
nhân là do các DN này không mở tài khoản trên trang web của DOC để trả lời các bảng hỏi, trả lời không đầy đủ thông tin theo yêu cầu, thông tin không nhất quán…
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), thời gian qua, một số DN đã thuê luật sư nước ngoài làm dịch vụ tiếp nhận thông tin từ DOC, phản biện và khai báo. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều câu hỏi không được luật sư chuyển đến DN, các bằng chứng về nhà xưởng, cung ứng nguyên liệu và thực tế sản xuất cũng chưa được cung cấp đầy đủ và có hệ thống. Đây là lý do 36 DN bị DOC liệt kê vào danh sách "không phản hồi" hoặc "không hợp tác".
Ngay khi nhận được thông báo từ DOC, VIFOREST đã cùng với 36 DN làm giải trình tóm tắt gửi DOC và đăng ký tham gia điều trần công khai để khẳng định rằng DN thực sự vô can, không lẩn tránh thuế.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST Ngô Sỹ Hoài cho biết, việc bị DOC liệt kê vào danh sách "không phản hồi" hoặc "không hợp tác" làm cho DN gỗ dán Việt rất lo lắng, hoang mang.
Hiện, các DN bị liệt kê là “không phản hồi”, hoặc “không hợp tác” đã gửi văn bản giải trình tóm tắt các nhận xét sơ bộ của DOC và đã đăng ký tham dự phiên điều trần công khai. VIFOREST hy vọng DOC sẽ xem xét thấu đáo lập luận phản biện từ các bên liên quan của phía Việt Nam và ra phán quyết cuối cùng công bằng và minh bạch.
“Chúng tôi kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam tăng cường trao đổi với các đối tác phía Mỹ để các DN tuân thủ luật pháp có môi trường kinh doanh bình thường” - Ngô Sỹ Hoài nói.
Mặc dù các DN Việt hiện rất lo lắng và hoang mang, song VIFOREST và các DN gỗ dán Việt Nam sẵn sàng tiếp đón các phái đoàn của DOC sang Việt Nam thị sát tại chỗ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành gỗ; cùng với đó cũng đề nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận thương mại, né tránh thuế, nếu có.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là theo dự kiến, giữa tháng 10/2022, DOC sẽ ban hành phán xét cuối cùng về việc điều tra lẩn tránh PVTM đối với gỗ dán làm từ nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nếu phán xét bất lợi cho DN Việt được thông qua, nhiều DN sẽ mất thị trường tiêu thụ sản phẩm do bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí có những DN đối diện nguy cơ phá sản.
Khó khăn kép vì giảm doanh thu
Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản). Năm 2021, Mỹ nhập khẩu lượng sản phẩm gỗ, nội thất tương đương khoảng 13,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9 tỷ USD. Riêng gỗ dán xuất từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.
Theo khảo sát nhanh mới đây của VIFOREST cho thấy, trong 45 DN xuất sản phẩm gỗ đi Mỹ, có 33 DN thông báo doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm 2022.
Với tình hình thị trường như hiện nay, VIFOREST nhận định xuất khẩu gỗ của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm và khó đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD.
“Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít DN đứng trước nguy cơ rơi vào phá sản. Chỉ còn vài ngày để các DN nộp lại bản giải thích, bình luận. Chúng tôi đang gấp rút hỗ trợ các DN để tham gia điều trần với phía Mỹ, bởi thực sự các DN bị oan” - ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Lãnh đạo VIFOREST cho rằng, đối với vụ kiện PVTM, Bộ Công Thương, Chính phủ cần sớm tổ chức cuộc trao đổi với phía Mỹ, sẵn sàng mời cơ quan chức năng của Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu về quy trình, hoạt động sản xuất của các DN ngành gỗ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần cho DOC thấy các DN Việt làm ăn minh bạch, sòng phẳng, không có chuyện DN gian lận. Ngoài ra, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, DN thể ứng phó kịp thời.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, các quốc gia đang có sự điều chỉnh, thay đổi về PVTM. Do đó, khi đứng trước các cáo buộc của nước nhập khẩu, các DN Việt Nam cần tham gia vào quá trình điều tra để hạn chế số lượng DN bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, nhằm đảm bảo kết quả xuất khẩu.
Hướng đến xuất khẩu bền vững
Hiện nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Khi hàng hóa thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế thì chắc chắn không thể tránh khỏi các hàng rào về bảo hộ mậu dịch. Mặt khác, hiện đang có xu thế bảo hộ của các quốc gia, nhằm bảo vệ lợi ích ngành sản xuất trong nước, thông qua việc tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Mỹ, châu Âu, Canada, Úc...
Lưu ý về thị trường Mỹ, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ kiện (kiện quét, kiện chống lẩn tránh và kiện phạm vi sản phẩm). Chẳng hạn như, tháng 1/2018, Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán Trung Quốc, đến tháng 6/2020, Mỹ điều tra phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với gỗ dán Việt Nam.
Đến tháng 4/2020, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ gỗ Trung Quốc và đến tháng 5/2022, Mỹ điều tra phạm vi sản phẩm. Ngay sau đó, tháng 6/2022, Mỹ điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam.
Những dẫn chứng trên cho thấy, ở thị trường Mỹ, nguy cơ PVTM luôn hiện hữu. Đối với những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có kim ngạch càng cao, năng lực tốt thì càng khiến cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ thấy có nguy cơ. Do vậy, ngành gỗ Việt Nam luôn đứng trước những thách thức khi ngành sản xuất gỗ của Mỹ thực hiện kiện PVTM.
“Bên cạnh nỗ lực của DN, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề PVTM là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ được lợi ích cho hàng hóa, DN Việt Nam. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm thuộc Bộ Công Thương để các DN kịp thời ứng phó hiệu quả” - bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, những vụ việc chống bán phá giá, lẩn tránh thuế mà gỗ dán đã bị áp dụng là câu chuyện cảnh báo với toàn ngành gỗ Việt Nam nếu các DN không có sự quan tâm, chuyên nghiệp từ đầu trong sản xuất, xuất khẩu.
Vì vậy các DN, hiệp hội sản xuất gỗ cần xác định rõ vai trò quan trọng, mang tính quyết định trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp. Đây là điều kiện cần và đủ để các DN gỗ Việt tham gia sân chơi thế giới dài hơi, cũng như góp phần nâng giá trị sản xuất, xuất khẩu của mình trong giai đoạn tới.
"Trước xu thế bảo hộ gia tăng trong khi ngành gỗ đang đẩy mạnh xuất khẩu, do vậy cùng với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các DN rất cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp PVTM." - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST Ngô Sỹ Hoài