Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ đầu ra cho nông sản an toàn huyện Phúc Thọ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức ngày 10/11, nhiều nông hộ, chủ trang trại, đại diện hợp tác xã (HTX) đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN). Qua đó, nhiều giải pháp tháo gỡ “nút thắt” tiêu thụ nông sản, liên kết chuỗi giá trị đã được gợi mở.

Ông Dương Văn Nghi - Tổ trưởng tổ sản xuất chăn nuôi VietGAP (xã Phụng Thượng) cho biết, hiện nay, tổ sản xuất đang chăn nuôi 29.000 con vịt đẻ với sản lượng trứng trung bình 8,3 triệu quả/năm. Năm 2018, sản phẩm của tổ đã đươc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, song đến nay giá trị của sản phẩm mang lại vẫn rất thấp.

 Các chuyên gia, nhà quản lý, DN chia sẻ tại diễn đàn.

Nguyên nhân là do sản phẩm chưa được đưa vào chuỗi giá trị nên giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Đây vừa là khó khăn vừa là rào cản khiến các hộ chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. “Mong muốn của các hộ nuôi vịt VietGAP ở Phụng Thượng là được liên kết với các DN, HTX để tiêu thụ ổn định sản phẩm trứng vịt an toàn” - ông Nghi bày tỏ.

Từ một vài hộ nhỏ lẻ triển khai mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học Liên Việt, đến nay trên địa bàn xã Thọ Lộc đã có hơn chục hộ tham gia chuỗi với quy mô chăn nuôi từ 50 - 200 con/hộ.

Hiện tại, sản phẩm thịt lợn của chuỗi đang cung ứng cho người dân địa phương và nhiều bếp ăn tập thể. Theo Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (xã Thọ Lộc) Nguyễn Hưng Thỉnh, để mở rộng đầu ra và không bị đánh đồng với các sản phẩm thịt lợn khác trên thị trường, HTX rất cần được kết nối với DN để tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sinh học ổn định, lâu dài.

 Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Phúc Thọ trưng bày tại diễn đàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 480ha rau an toàn, 454ha cây cảnh, 1.200ha cây ăn quả và gần 3.500ha lúa chất lượng cao.

Nhiều sản phẩm của Phúc Thọ được người tiêu dùng đánh giá cao và đáp ứng thị hiếu thị trường như: Bưởi Vân Hà, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, thịt lợn rừng Cẩm Đình, thịt lợn sinh học Thọ Lộc… Tuy nhiên, khâu tiêu thụ của các sản phẩm này vẫn gặp không ít khó khăn do số đông các nông hộ, HTX vẫn chưa kết nối được DN tạo thành chuỗi để đưa các nông sản an toàn của địa phương vào hệ thống các siêu thị của Hà Nội.

 Môt số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Phúc Thọ trưng bày tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX và bắt tay với DN.

Giám đốc Công ty CP Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm Đinh Thị Hải Yến nhìn nhận, xu hướng mới để kích cầu tiêu thụ nông sản qua chuỗi giá trị hiện nay là thực hiện liên kết 6 nhà (Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, DN, người tiêu dùng, ngân hàng).

Thực tế cho thấy, không chỉ nông dân Hà Nội mà nông dân cả nước đều đang rất cần kết nối thị trường. Do đó, tổ nhóm sản xuất, các HTX cần thiết phải liên kết với DN để đẩy mạnh hoat động xây dựng thương hiệu, quảng bá, phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị nông sản cũng như hài hòa chia sẻ lợi ích giữa các thành phần tham chuỗi.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, nông sản muốn vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Để làm được điều này, bắt buộc sản phẩm phải đồng bộ về giống, quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và có nhãn hiệu, thương hiệu…

Còn theo Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, DN liên kết, hợp tác với nông dân, HTX trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Thế nhưng, để hoạt động kết nối mang lại hiệu quả trong thực tế, không chỉ trông cậy vào sự chủ động tích cực của nhà sản xuất, nhà phân phối mà rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học…