Gỡ điểm nghẽn cho cửa ngõ phía Nam Hà Nội

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm nhằm “giải cứu” cửa ngõ phía Nam Hà Nội đã được triển khai như: Đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; đường nối Nguyễn Xiển - Tỉnh lộ 70…

Tuy nhiên, một số dự án, cả cũ lẫn mới, vẫn gặp những khó khăn nhất định, cần được nhanh chóng giải quyết để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả khai thác. 
Nhiều công trình giao thông được khởi công 
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn giao thông tại cửa ngõ phía Nam, nơi trục đường Vành đai 3 kết nối với nhiều tuyến giao thông liên tỉnh trọng yếu, có vai trò rất lớn đối với cả hệ thống giao thông đô thị Hà Nội. Và phải đến cuối năm 2019, những nỗ lực đó mới dần đem lại hiệu quả khi một số công trình trọng điểm được khởi công, thông xe hoặc được Chính phủ phê duyệt. 
 Tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Tỉnh lộ 70 đã được thông xe. Ảnh: Ngọc Hải
Đầu tiên phải kể đến là việc khép kín tuyến Vành đai 3 với dự án xây dựng đoạn tuyến đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm, đồng thời xây dựng hai nhánh đường gom lên xuống từ cầu cạn vào bán đảo. Đoạn tuyến này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng với toàn bộ cửa ngõ phía Nam. Hiện nay hướng lưu thông, đặc biệt là dành cho ô tô ra vào cửa ngõ thường xuyên ùn ứ cả hai chiều do tắc nghẽn tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng (QL1 cũ) và nút giao Hoàng Liệt - Pháp Vân. 
Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho hay, dự kiến tháng 9 tới, đoạn tuyến Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm cùng hai nhánh kết nối lên xuống cầu cạn sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. “Các phương tiện có thể đi tránh nút Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, thẳng từ Nguyễn Xiển sang Hoàng Liệt để ra QL1 cũ và cao tốc Pháp Vân, chấm dứt tình trạng tắc nghẽn trước nay” - ông Tuấn cho hay.
Cũng trong những ngày đầu tiên năm 2020, tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nối Vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển) với Tỉnh lộ 70 (Phan Trọng Tuệ) đã được thông xe, dù chưa kịp xây dựng nút giao trên cao. Tuyến đường này ngay lập tức đã phát huy tác dụng, mở ra một hướng lưu thông tiết kiệm thời gian, cự ly di chuyển cho người dân, giảm áp lực cho đường Tỉnh lộ 70 và tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi (khu vực Hà Đông, Thanh Xuân).
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ 
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3. Tuyến đường có chiều dài khoảng 3,4km, mặt cắt ngang đường chính 60m; điểm đầu cuối nhánh rẽ phải từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào Tỉnh lộ 70, thuộc nút giao Tứ Hiệp, điểm cuối là nút giao với đường Vành đai 3. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành vào năm 2022. Đây là nhánh lưu thông cực kỳ quan trọng giúp phân bổ mật độ phương tiện, đặc biệt là xe ô tô kinh doanh vận tải từ nội thành Hà Nội ra cửa ngõ phía Nam, kết nối đi các tỉnh lân cận.
Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Các dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả hệ thống giao thông của Hà Nội nói chung chứ không chỉ cửa ngõ phía Nam”. Ông Đặng Minh Tân phân tích, hiện cả TP chỉ còn cửa ngõ phía Nam là thường xuyên UTGT, đặc biệt vào các kỳ lễ, Tết.
Giải phóng được điểm nghẽn tại đây sẽ nâng cao đáng kể năng lực của toàn hệ thống, vừa đảm bảo giao thông trong nội bộ Thủ đô vừa tăng cường mạnh mẽ tính kết nối với khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Bắc Bộ. 
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, mạng lưới giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo. Ví dụ “điểm nghẽn” Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng chỉ còn vướng mắc GPMB vài hộ dân nhưng vẫn chưa giải quyết được, khiến dự án dang dở đã hơn 20 năm. Hay như tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Tỉnh lộ 70, hiện nút giao khác mức vẫn chưa thể thi công do vướng mắc GPMB hơn 100 hộ dân, chủ yếu thuộc địa bàn huyện Thanh Trì.
Nhiều chuyên gia lo ngại, không có nút giao khác mức để điều tiết, điểm kết nối trên Tỉnh lộ 70 sẽ sớm lâm vào cảnh ùn tắc nặng nề do tuyến đường này nhỏ hẹp, lại có lưu lượng giao thông vào loại lớn nhất Hà Nội. Thêm điểm mở kết nối cũng đồng nghĩa là thêm hướng đi - đến, nếu không tổ chức hợp lý, sẽ xảy ra xung đột giao thông nghiêm trọng.
Do đó, các cấp chính quyền, đơn vị chuyên môn có chức năng của Hà Nội cần tập trung, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo đồng bộ khả năng luân chuyển giao thông cho toàn bộ cửa ngõ phía Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần