Đó nội dung được chỉ ra dưới góc nhìn của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ vừa thành phố Hà Nội – Hanoisme) Hoàng Ngọc Linh.
Thiếu kiến thức quản trị
Theo ông Hoàng Ngọc Linh, doanh nghiệp hiện tại trong quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, đặc biệt là ở các ngành nghề ngoại thành. Trước đây, nông dân chủ yếu làm ruộng, nhưng do cơ cấu của ngoại thành Hà Nội thay đổi, nông dân đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này gặp phải nhiều khó khăn khi nông dân chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh.
Tại huyện Phúc Thọ, có 11 làng nghề và hệ thống kinh doanh tận dụng sản phẩm đầu ra của gỗ, tạo ra giá thành rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, chẳng hạn như việc nông dân vừa làm nông, vừa phải làm CEO, quản lý doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có kiến thức về quản trị tài chính, quản trị rủi ro, quản trị pháp luật và chính sách thuế hợp lý.
“Tận dụng sản phẩm của nhau rất tuyệt vời nhưng vẫn có một số khó khăn nhất định. Đơn cử, vừa là nông dân, giờ lại làm CEO, quản lý, chắc chắn là phải có kiến thức nhằm quản trị được tài chính, quản trị được rủi ro, quản trị được pháp luật để đúng với chính sách thuế của Đảng và Nhà nước. Đây chính là khó khăn cho các doanh nghiệp ở làng nghề đang mắc phải” – vị này chỉ ra.
Bởi, thực tế, chiến lược quản lý nguồn vốn sao cho rủi ro thấp nhất cũng là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, việc giải quyết hàng tồn kho, thanh toán vốn cũng là những vấn đề gây áp lực cho các doanh nghiệp.
“Khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải, đặc biệt trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động, tận dụng sản phẩm đầu ra và quản lý nguồn vốn. Đây là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và giải quyết” - ông Hoàng Ngọc Linh thêm lần nhấn mạnh.
Vật lộn và giải pháp tự cứu mình
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vật lộn với khó khăn tài chính trong bối cảnh hiện nay. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn và quản lý dòng tiền, đặc biệt khi họ cần vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Để giải quyết những khó khăn này, trước hết, ông Hoàng Ngọc Linh thẳng thắn, các doanh nghiệp cần tự cứu mình bằng cách nâng cao khả năng quản trị dòng tiền, đẩy nhanh vòng quay vốn và giảm hàng tồn kho. Đồng thời, cũng cần rút ngắn thời gian cho phép đối tác trả chậm và tìm kiếm các phương thức thanh toán nhanh chóng, giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn.
“Quản trị dòng tiền cho tốt, luân chuyển nhanh và giải phóng hàng tồn kho. Mọi khi cho các đối tác trả chậm 30 - 45 ngày, nay yêu cầu giảm xuống 10 ngày và cần có cái biện pháp để thanh toán tiền ngay là tốt nhất. Ngoài ra, cần tăng quản trị rủi ro, hạn chế nhất được cái đồng vốn mà rủi ro thấp nhất sẽ thể hiện được cho các cái tổ chức tín dụng hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiệm cận nguồn vốn” - ông Hoàng Ngọc Linh đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, vị này nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc tăng cường quản trị và hạn chế tối đa các rủi ro liên quan đến vốn, nhằm thể hiện năng lực kinh doanh của mình đối với tổ chức tín dụng. Điều này sẽ giúp các doanh thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về quản trị vốn của mỗi doanh nghiệp để tiệm nguồn vay giúp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông đề nghị đối với các tổ chức tín dụng cần hiểu doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn tự có ít, tài sản thế chấp cũng không có vì đa số là nông dân, cần có cơ chế chính sách để họ có được nguồn tài chính kinh doanh. Về phía các hiệp hội nên tiếp cận thật sát với các doanh nghiệp làng nghề để có thêm giải pháp tài chính với quỹ đầu tư.
Bởi, ở ngoại thành có thể có quỹ đầu tư rủi ro. Nhưng chỉ cho vay toàn bộ với doanh nghiệp có tài sản. Về phía doanh nghiệp cũng thể hiện năng lực, uy tín, uy tín đối với đối tác, uy tín với ngân hàng mới có thể tiệm cận nguồn tài chính khi cần mở rộng đầu tư.