Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Giang Lam - Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng các biện pháp chống dịch quyết liệt, vựa nông sản lớn nhất nước tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào bế tắc, loay hoay tìm lối ra.

Nông sản tồn đọng số lượng lớn

Do áp dụng giãn cách xã hội, việc đi lại, giao thương bị hạn chế, trong khi nhiều loại nông sản đang vào mùa thu hoạch khiến việc thu hoạch, thu mua bị tạm dừng hoặc rất chậm trễ, một lượng lớn nông sản tại các tỉnh vùng ĐBSCL bị ách tắc, dồn ứ. Tại Hậu Giang, mỗi ngày các địa phương trong tỉnh có khả năng cung cấp khoảng 170 tấn nông sản các loại. Dự kiến tổng sản lượng nông sản trong tháng 8 là trên 260.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh chỉ khoảng 20.000 tấn.
Như vậy có tới 240 tấn nông sản cần tìm đến thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên đầu ra là vô cùng khó khăn do vướng... đi lại. Có không ít hộ đang sinh sống ở huyện này nhưng lại có đất sản xuất ở huyện khác nên gặp khó trong việc đi lại do chấp hành quy định phòng, chống dịch, thương lái hay DN ngoài tỉnh cũng không đến thu mua được.
 Thu hoạch trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo Sở Công Thương Hậu Giang, từ nay đến cuối năm, tỉnh có sản lượng cây ăn trái khoảng gần 103.000 tấn; rau màu khoảng 35.550 tấn, chăn nuôi các loại hơn 11.400 tấn; thủy sản các loại hơn 45.800 tấn… Trong đó, một số nông sản đang vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn cần hỗ trợ tiêu thụ như cam, dưa lê, chôm chôm, nhãn…

Còn tại Đồng Tháp, dự kiến trong tháng 8, tỉnh sẽ thu hoạch hơn 27.200ha lúa (trong đó vụ Hè Thu là 20.482ha), ước sản lượng gần 170.000 tấn. Trong tháng 9 sẽ thu hoạch 68.348ha, ước sản lượng hơn 392.900 tấn. Hiện có khoảng 70% sản lượng lúa của tỉnh được xay xát ngoài tỉnh. Lượng gạo tồn kho của 28 DN đang hoạt động trên địa bàn còn khá nhiều nên khả năng thu mua tối đa chỉ khoảng 20.000 tấn lúa nguyên liệu…

Loay hoay tìm giải pháp

Để cùng tìm giải pháp tiêu thụ lúa vụ Hè Thu 2021 cho bà con nông dân, lãnh đạo các tỉnh sản xuất lúa hàng đầu ở ĐBSCL là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã kết nối với nhau tìm phương án chung. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, việc kết nối tiêu thụ lúa tại các tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu vận chuyển bị gãy đứt chuỗi.

Tỉnh Kiên Giang đề nghị các tỉnh cần thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa, vận chuyển các thiết bị, công cụ thu hoạch sản phẩm. Vinafood 1 có kế hoạch phối hợp với tỉnh trong công tác thu mua lúa; trong đó, xác định cụ thể số lượng, thời gian, chủng loại giống, phương thức thu mua. Ngoài số lượng 1,1 triệu tấn lúa tỉnh Kiên Giang có thể cung cấp thì sản lượng lúa của 3 tỉnh, TP nói trên còn rất nhiều nên 4 địa phương sẽ tiếp tục liên kết cùng nhau để tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, kho bãi, nhà máy chế biến…

Theo Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm 2021, các tỉnh Nam Bộ thu hoạch 900.000ha lúa Hè Thu và 700.000ha lúa Thu Đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn. Cây ăn quả đã thu hoạch khoảng 3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm khoảng 3,2 triệu tấn. Sản lượng rau quả dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm khoảng 3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo dự báo nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%...

Các mặt hàng nông sản chủ lực đã được lưu thông

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) để cùng các bộ, ngành, địa phương được tháo gỡ kịp thời các mặt hàng nông sản chủ lực đang tồn đọng trong dân. Và khâu trọng yếu nhất là vấn đề lưu thông. Trước tình hình trên, các địa phương kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phối hợp thực hiện nhất quán lưu thông vận chuyển nông sản giữa các tỉnh. Đặc biệt, thiết lập đường ây nóng để tháo gỡ khi có khó khăn phát sinh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn kiến nghị: Bộ NN&PTNT và các tỉnh trong vùng tạo điều kiện mở “luồng xanh” cho ghe thương lái đã đủ điều kiện đảm bảo 5K, có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 đi về các địa phương đang thu hoạch lúa. Các địa phương thiết lập đường dây nóng để kịp thời tháo gỡ ách tắc kịp thời cho phương tiện vận chuyển đi qua các chốt kiểm dịch.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng nhận xét rằng: Với sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) của Bộ NN&PTNT thời gian qua, hầu hết các khó khăn phát sinh do dịch Covid-19 bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội ở các địa phương đã được tháo gỡ. Phần lớn các mặt hàng nông sản chủ lực đã được thu mua, lưu thông kịp thời, tác động tích cực, giá có xu hướng tăng lên.

"Giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản của một số tỉnh, TP phía Nam, đặc biệt là tại các địa phương đang vào chính vụ thu hoạch trái cây. Để ổn định chuỗi sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung nông sản cho người dân, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP trong khu vực tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết, thích ứng với tình hình dịch bệnh, thị trường. Đồng thời, thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; phản ánh, tham vấn giúp UBND các tỉnh, TP các giải pháp gỡ khó trong lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua và thu hoạch nông sản, thủy sản." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam


"Việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL cần phải làm liên tỉnh, liên vùng và phải thống nhất phương án lưu thông chung, tránh trường hợp tỉnh này cho nhưng qua tỉnh khác lại vướng." - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm