Gỡ khó để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch điện VIII đã có nhiều chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn, song cũng cần có những có chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Công nhân lắp ráp pin điện mặt trời tại nhà Phước Ninh của T&T Group.
Công nhân lắp ráp pin điện mặt trời tại nhà Phước Ninh của T&T Group.

Tránh lỡ nhịp

Theo kịch bản cơ sở của Dự thảo mới nhất Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tỷ lệ công suất các nguồn NLTT (ngoài thủy điện) tăng từ 18% năm 2030 lên 54,8% năm 2050, trong đó điện gió trên bờ đạt 11.905MW (9,8%) năm 2030 lên đến 49.170MW (13,3%) năm 2050; đến năm 2030 chưa phát triển điện gió ngoài khơi nhưng nguồn điện này sẽ đạt tới 46.000MW (chiếm 12,5% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2050; điện mặt trời (ĐMT) tập trung đạt 8.763MW năm 2030 (7,2%) và tăng lên 100.651MW (27,3%) vào năm 2050.

Hiện Dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể so với trước đây, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, thảo luận làm rõ để NLTT không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính.

T&T Group là doanh nghiệp tiên phong đầu tư điện gió.
T&T Group là doanh nghiệp tiên phong đầu tư điện gió.
 

Bộ Công Thương và EVN xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII danh mục dự án tiềm năng và quy hoạch những công trình phục vụ đấu nối, nhập khẩu điện tại Lào về Việt Nam trong các giai đoạn đến 2025 và 2030; Để hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển NLTT hơn thời gian tới, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm xem xét áp dụng các cơ chế, tiêu chuẩn sử dụng NLTT (Renewable Portfolio Standard) đối với đơn vị sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch và sớm có biện pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính CO2) trên cơ sở hình thành thị trường trao đổi tín chỉ NLTT và chứng chỉ Các bon…

Các doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng phát triển NLTT của Việt Nam, song đang gặp rất nhiều khó khăn giai đoạn hiện nay. Với các dự án đã có giá FIT, khó khăn lớn nhất là bị cắt giảm công suất; Bộ Công Thương vừa qua cũng đã đề xuất xem xét huỷ các quyết định ưu đãi giá FIT, đàm phán lại với nhà đầu tư.

Với các dự án đã hoàn thành nhưng không kịp hưởng giá FIT, rủi ro rất lớn là không có cơ chế giá chuyển tiếp suốt 2 năm qua với ĐMT và 1 năm với điện gió, nguy cơ vỡ phương án tài chính là rất cao. Hàng trăm MW công suất điện NLTT đã hoàn thành nhưng không được hoà lưới điện cũng dẫn đến nguy cơ lãng phí tài nguyên, nguồn lực.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất cần xem xét phát triển liên tục ĐMT, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, thay vì không phát triển ĐMT cho tới sau năm 2030 như Dự thảo hiện nay. Về cơ chế mua bán điện cho các dự án mới, tham gia thị trường điện cạnh tranh liệu đã là phương án tối ưu, đặc biệt với những loại hình yêu cầu suất đầu tư cao như điện gió ngoài khơi?

Tổng vốn đầu tư cho chương trình phát triển điện lực là rất lớn, từ 104,7 - 142,2 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030 và 324,6 - 483 tỷ USD giai đoạn 2031 - 2050, do vậy, các chuyên gia, nhà đầu tư đề xuất cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích để huy động vốn trong và ngoài nước phát triển năng lượng nói chung, NLTT nói riêng. Với đầu tư truyền tải điện, trong bối cảnh mỗi mình EVN là không đủ nguồn lực, cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn về xã hội hóa, khuyến khích tư nhân đầu tư.

Khoảng trống cần phủ lấp

Là doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong lĩnh vực NLTT, T&T Group đưa ra ý kiến, Tập đoàn đã đầu tư vào 2 nguồn điện tái tạo là: ĐMT và điện gió (trên đất liền) với tổng công suất lắp đặt gần 900MW. Hiện tại, một phần công suất trong tổng công suất lắp đặt đã COD để hưởng giá FIT theo quy định. Còn một phần công suất đã lắp đặt xong nhưng phải chờ ban hành cơ chế mua bán điện mới. Mục tiêu chiến lược đặt ra đến năm 2030, T&T Group sẽ phát triển với tổng công suất lắp đặt các nguồn điện khác nhau đạt khoảng 12.000 - 15.000MW. Trong đó, có khoảng 70 - 75% là NLTT. 

Chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi rất tốn kém.
Chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi rất tốn kém.

Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp về năng lượng (Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T) Nguyễn Đức Cường thẳng thắn, dù ĐMT, điện gió ở Việt Nam đã được đầu tư và phát triển mạnh mẽ khoảng 3 - 4 năm qua, nhưng phần nào bị chững lại ngay sau khi Quyết định số 13 (đối với ĐMT) và Quyết định số 39 (đối với điện gió) hết hiệu lực thi hành.

“Đây được coi là khoảng trống - khoảng dừng đột ngột về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với hai nguồn điện tái tạo có tiềm năng lớn nhất này” - ông Nguyễn Đức Cường nói.

Điều này gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các nhà đầu tư đã dành nhiều nguồn lực cho mua sắm, xây dựng và lắp đặt mà vẫn không kịp hưởng giá FIT, cũng như nhiều nhà đầu tư khác trong giai đoạn đầu tư ban đầu (bổ sung dự án vào quy hoạch điện, mặt bằng…) và chuẩn bị xúc tiến đầu tư những dự án mới.

Vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực NLTT của T&T Group nói riêng, cũng như ngành NLLT nói chung gần đây phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn, thách thức bao gồm cả những vấn đề chung, cũng như theo từng nhóm các dự án cụ thể.

Sau nhiều ngày chờ đợi cơ chế mới, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BC, song cũng đầy rủi ro. Đối với các dự án NLTT mới, cũng như dự án điện gió ngoài khơi, hiện vẫn còn đầy bất cập…

Từ đó, vị này đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII để các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở lập kế hoạch triển khai thực hiện, và xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ NLTT đồng bộ và kịp thời;

Các bộ, ngành sớm xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn NLTT mới, đặc biệt là chính sách phát triển điện gió ngoài khơi trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, công bằng, minh bạch và cạnh tranh; Triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, đề nghị Bộ Công Thương xem xét sớm ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch căn cứ mục tiêu phát triển NLTT đã được phê duyệt...

 

Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 đã có những điều chỉnh, thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn NLTT theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, Dự thảo mới đã hướng tới việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về cắt giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần