Gỡ khó do dịch Covid-19: Hà Nội đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với người dân, DN, thời gian qua Chính phủ, TP Hà Nội đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ. Cộng đồng DN đánh giá cao các chính sách hỗ trợ DN, người dân được TP Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện với những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô làm việc với VCCI để kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh
Hơn 15.000 doanh nghiệp thành lập mới 
Trong tháng 7/2021, TP Hà Nội xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng các ngành sản xuất, kinh doanh bắt đầu chững lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,5%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,52 tỷ USD, tăng 2%; Kim ngạch nhập khẩu đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,6%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vụ tiêu dùng đạt 329,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 152.176 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán T.Ư giao (đạt 60,6% dự toán TP giao), bằng 112,7% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương ước đạt 35.380 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán và bằng 94,8% cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển là 12.157 tỷ đồng, đạt 23,7% dự toán, bằng 83% cùng kỳ; chi thường xuyên là 23.210 tỷ đồng, đạt 49,0% dự toán, bằng 102,4% cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/7, TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 15.022 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 181.822 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng và giảm 14% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.706 DN (tăng 22% so với cùng kỳ), 7.435 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 5% so với cùng kỳ). Số DN hoạt động trở lại là 5.868 DN (tăng 54% so với cùng kỳ). Nâng tổng số DN trên địa bàn TP Hà Nội lên 317.021 DN. 
Chung tay gỡ khó
Đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các đề xuất, kiến nghị của DN tập trung vào các vấn đề sau: Nhóm 1, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021; Nhóm 2, đề nghị tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp năm 2021; Nhóm 3, hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động, cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021;
Công nhân hoàn thiện sản phẩm trong dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan của Minh Tien Group. Ảnh: Khắc Kiên
Nhóm 4, hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm triển khai tiêm phòng vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp; Nhóm 5, đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cho phép DN được tạm hoãn đóng hết năm 2021; Nhóm 6, về vấn đề lưu thông hàng hóa không phải là hàng thiết yếu đối với DN xuất nhập khẩu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do không thể lưu thông, dẫn đến việc mất đơn hàng, hủy hợp đồng với đối tác nước ngoài...
6 nhiệm vụ trọng tâm vì doanh nghiệp
Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã thực hiện và ban hành các văn bản hỗ trợ kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Với tinh thần đồng hành cùng DN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ, phát triển DN trên cơ sở kinh nghiệm ứng phó dịch Covid-19 và các kịch bản điều hành đã xây dựng, TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, ưu tiên phân bổ vaccine nhằm triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn để bảo vệ Thủ đô, Trung tâm chính trị hành chính quốc gia, Trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, có dân số đông, có số lượng người về từ vùng dịch nhiều...
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”... trong đó, thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 với quy mô lớn trên địa bàn TP.
Thứ hai, hoàn thiện kịch bản cung ứng hàng hóa cho Nhân dân trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội và xử lý, bố trí các điểm bán hàng lưu động trong trường hợp phải đóng cửa chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, duy trì các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, kết nối cung cầu hàng hóa và nông sản, thực phẩm của các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch, chống hàng giả, hàng nhái, đầu cơ, găm hàng, tăng giá… Ngành GTVT tăng cường hướng dẫn tổ chức vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội.
Thứ ba, chủ động đối thoại, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của TP về hỗ trợ DN năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.
Dán nhãn hoàn thiện sản phẩm tại doanh nghiệp khởi nghiệp trong Vườn ươm Chế biến thực phẩm (Sở KH&ĐT Hà Nội). Ảnh: Khắc Kiên
Thứ năm, đảm bảo an sinh xã hội. Tổng hợp danh sách, phê duyệt kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy đinh. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ATVSTP, duy trì công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Thứ sáu, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp. Chủ động phương án tận dụng làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các DN quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách TTHC trong công tác thu ngân sách; khai thác các khoản thu từ đất và đấu giá đất. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Theo kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 DN trên địa bàn Hà Nội trong tháng 6/2021 cho thấy: 57,10% DN trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% DN đang hoạt động bình thường; 2,61% DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% DN hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh. Một số ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn lớn là du lịch, dệt may, thủ công mỹ nghệ, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại, bán lẻ, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản mùa vụ, hàng hóa, sản xuất công nghiệp, chế biến...
Dù gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế Thủ đô 6 tháng năm 2021 đạt 5,62% rất đang khích lệ, ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN. Ngoài ra, vừa giữ sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch, cộng đồng DN đã ủng hộ chương trình phòng chống Covid-19 hàng trăm tỷ đồng, thể hiện sự trách nhiệm xã hội vì sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đất nước. Hiệp hội mong T.Ư, TP tạo nguồn vaccine tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động phục vụ sản xuất, nhất là DN xuất khẩu, liên quan đến tiến độ giao nhận hàng hóa.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh