Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt cho startup Việt

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn là yếu tố đầu tiên và sống còn của các startup trong buổi đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều startup Việt lại chưa biết cách tiếp cận các quỹ đầu tư hoặc yếu về kỹ năng đàm phán.

Thiếu nhiều kỹ năng
Nhiều startup mặc dù có ý tưởng tốt song bế tắc bởi không có vốn để khởi sự DN. Câu chuyện của Founder & Leader Tổ chức Recsorts Việt Nam Nguyễn Phương Tùng là một ví dụ. Là đơn vị đầu tiên đưa môn thể thao giải trí về Việt Nam, Recsorts Việt Nam có tham vọng đưa thể thao giải trí vào tất cả các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí. Mặc dù ý tưởng rất tiềm năng nhưng do thiếu nguồn lực tài chính nên DN vẫn ì ạch ở vạch xuất phát sau hơn 2 năm hoạt động. “Bản thân DN của tôi rất cần vốn, nhưng chưa được bên nào rót vốn đầu tư” - ông Tùng bộc bạch.

Ở góc độ một nhà đầu tư, Chủ tịch Công ty Cinnamon - Hajime Hotta chia sẻ, điểm mạnh của các startup Việt Nam là chăm chỉ và học rất nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa tạo ra được những ý tưởng thật sự đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều người khởi nghiệp vẫn thiếu các kiến thức về tài chính và huy động vốn; chưa thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình trước nhà đầu tư, do đó thường gặp khó khăn trong quá trình gọi vốn.
 Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB hiện có tổng mức đầu tư cho các startup Việt Nam là 15 triệu USD. Ảnh: Phương Nga
Là một quỹ nội hỗ trợ tích cực cho các startup Việt, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB hiện có tổng mức đầu tư 15 triệu USD. Giám đốc Quỹ Nguyễn Anh Cường cho biết, các quỹ ngoại thường nhắm vào những startup có quy mô lớn, thuần công nghệ, trong khi ở Việt Nam có tới 90% DN vừa và nhỏ hoạt động theo kiểu truyền thống. Do vậy, các DN này không chỉ khó tiếp cận được vốn ngoại, bản thân các startup Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các quỹ nội đầu tư.

Ông Cường thẳng thắn chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến startup Việt chưa gọi vốn thành công. Trước hết, các startup đều thiếu kỹ năng đàm phán và tiếp cận các quỹ. Thứ hai, thường viển vông với ý tưởng sáng tạo, do đó không xác định được vị trí của mình đang ở đâu để kêu gọi vốn đầu tư phù hợp. Thứ ba là vận hành DN thiếu chuyên nghiệp, thường theo kiểu gia đình, thiếu tính minh bạch.

Chủ động thu hút vốn

Theo số liệu của Văn phòng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đề án 844), trong hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam, đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn. Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần.

Là nền tảng trực tuyến kết nối không gian làm việc, phòng họp, phòng hội thảo… Sau hơn một năm ra mắt, SpaceShare đã thực hiện 2 lần gọi vốn từ quỹ đầu tư Nhật Bản. Chu Dương Hải Anh, đồng sáng lập SpaceShare cho biết: “Để gọi được vốn, hai yếu tố quan trọng mà nhà khởi nghiệp cần phải xác định, đó là sự khác biệt của sản phẩm và giá trị mà sản phẩm có thể mang lại, như vậy nhà đầu tư mới có thể bỏ tiền cho bạn. Trước khi gọi vốn, bạn phải nghiên cứu kỹ thị trường, sản phẩm, xây dựng quy trình nhân sự, đào tạo, công nghệ…”.

Cũng là một DN gọi vốn thành công từ một quỹ đầu tư nước ngoài, nhà sáng lập Công ty CP Lozi Việt Nam Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ, các startup cần chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, xác định rõ mục tiêu gọi vốn. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hoạt động, bảo đảm công việc kinh doanh không bị gián đoạn, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. “Mỗi startup cần phải gây ấn tượng với câu chuyện của mình. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về số liệu so sánh, bảng biểu và sự am hiểu về thị trường vĩ mô để giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư” – ông Trung nhấn mạnh.

CEO YellowBlocks Đoàn Kiều My – Trưởng làng Tiên phong tại Techfest 2020 chia sẻ, khi bắt đầu gọi vốn, các startup cần phải biết mình đang ở đâu, DN mình đang ở tầm nào, để từ đó có thể tiếp cận các quỹ hợp lý. Bên cạnh ý tưởng, chiến lược kinh doanh thì con người là yếu tố được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Đặc biệt, với những trường hợp startup gọi vốn ở giai đoạn đầu, chưa có báo cáo tài chính hay doanh số bán hàng rõ nét để chứng minh năng lực với nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư quan tâm đến mô hình kinh doanh của startup nhưng cái họ nhìn là profile (hồ sơ lý lịch) của các founder. Trong quá trình đi vào thị trường, startup sẽ có sự thay đổi liên tục, vì vậy tiềm năng của founder là điều họ nhìn vào để đánh giá” – CEO Kiều My nhìn nhận.
Trong năm 2020, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, HR-Quản trị nguồn nhân lực…