Số phận 300 bộ phim
Về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó có đề xuất thoái vốn của nhà đầu tư – Vivaso, Cục trưởng Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đây là vấn đề rất phức tạp, đang được thực hiện theo quy định.
Liên quan đến khúc mắc của Hãng phim dẫn đến 300 bộ phim của đơn vị này không được bảo quản, bị hư hỏng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: “Cục Điện ảnh đã trả lời nhiều lần về số phim bị hỏng. Số phim ở hãng là bản lưu, được giữ lại để khai thác, bản gốc đều được lưu trữ ở Viện phim Việt Nam.
Một số nhân viên ở hãng phim nhiều lần đề xuất việc khôi phục số phim đã hỏng, tuy nhiên, khả năng phục hồi là không có. Chúng ta cũng không nên tính đến việc này, bởi các bản gốc của phim vẫn được bảo quản ở Viện phim Việt Nam. Đây là thông tin đã được Viện phim Việt Nam công bố, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã trực tiếp kiểm tra, làm việc về công tác lưu trữ".
Tập thể nghệ sĩ hãng phim đã ký đơn kiến nghị và gửi lên Văn phòng Chính phủ về vấn đề 300 phim bị hỏng. Ngày 4/1/2024, Thanh tra Bộ có công văn phản hồi nghệ sĩ. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT&DL Phan Linh Chi cho biết, công văn đã xử lý dứt điểm và giải đáp được băn khoăn của nghệ sĩ.
Công văn nêu rõ những bộ phim này đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan, được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế. Về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp của Bộ VHTT&DL, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính chính khẳng định, quá trình cổ phần hóa đã kết thúc từ năm 2015.
Xây dựng Nghị định về phát hành phổ biến phim sử dụng tiền ngân sách
Tại buổi họp báo, xung quanh thành công của bộ phim “Đào, phở và piano”, lãnh đạo ngành điện ảnh cho biết, đây là phim được dàn dựng tốt, có dàn diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai. Ngoài ra, “Đào, phở và piano” nhận được sự ủng hộ của truyền thông, cộng đồng mạng dù không có đồng nào chi cho quảng bá, phát hành.
Đặc biệt, phim cũng ra rạp vào thời điểm thuận lợi sau kỳ nghỉ Tết, thời điểm đã bão hòa về những nội dung khác như đời sống gia đình, xã hội.
Lãnh đạo Cục điện ảnh cho rằng, phim được bán với giá vé bằng một nửa so với giá vé thông thường. Nếu phim được bán với giá vé bình thường, trong điều kiện phát hành thuận lợi, “Đào, phở và piano” có thể lãi 21 tỷ đồng thay vì hòa vốn.
Trước câu hỏi về tương lai của các bộ phim Nhà nước đặt hàng, Cục trưởng cho biết, các bộ phim hiện nay được sử dụng để chiếu ở các tuần phim, liên hoan trong, ngoài nước, ở trung tâm văn hóa tỉnh, thành, chiếu miễn phí trên truyền hình.
Đơn cử như “Đào, phở và piano” thuộc chương trình thí điểm phát hành của Bộ VHTT&DL, ra rạp tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, mục đích đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh đã chiếu ở một số rạp tư nhân, những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách quốc gia. Trong suốt những năm qua, Nhà nước đặt hàng đầu tư kinh phí sản xuất phim, chưa bao giờ có kinh phí cho phát hành, quảng bá phim. Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim mà phải có đơn vị riêng.
Sau phim “Đào, phở và piano”, Cục Điện ảnh đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTT&DL xây dựng Nghị định về phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Trước đây do chưa có quy định cụ thể nên việc phát hành phim còn gặp nhiều khúc mắc.