Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ yêu cầu khắc phục nguyên nhân chủ quan, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và quyết liệt các giải pháp.
Giải ngân vốn ODA rất thấp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).
Đáng chú ý, đến hết tháng 3 mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Trong khi đó có 46/51 bộ, cơ quan T.Ư và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước. Có tới 29 bộ, cơ quan T.Ư còn chưa thực hiện kế hoạch giải ngân vốn. Đặc biệt, nguồn vốn ODA hầu như chưa được giải ngân. Hết 3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt 0,99%.
Lý do giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu mà một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đưa ra là bởi một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Trong khi tác động bởi đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng tăng cao làm cho tiến độ thi công các dự án ODA bị chậm lại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc chậm tiến độ là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.
Ngoài ra, quá trình triển khai các thủ tục thực hiện dự án, từ khâu chuẩn bị, tới giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa hoàn tất thiết kế cơ sở… các khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng… tất cả đều chậm.
Hay việc chuẩn bị dự án, tổ chức GPMB, có địa phương làm rất tốt, nhưng cũng có địa phương chuẩn bị dự án sơ sài, đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc hay giao vốn từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn không thể giải ngân vì tắc GPMB… Một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai GPMB. Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của từng vướng mắc, chỉ rõ vì sao vướng thì mới tháo gỡ được.
Tại Đồng Nai, đại diện địa phương cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp có nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật liệu xây dựng tăng cao, 2 dự án thành phần thuộc Dự án sân bay Long Thành tạm ngừng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng tình trạng chậm giải ngân chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là việc GPMB phục vụ các dự án diễn ra ì ạch, chậm trễ. Một số nhà thầu thi công hạn chế về năng lực; các đơn vị phối hợp chưa chặt chẽ trong thẩm định hồ sơ, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, từ đó kéo dài thời gian thực hiện dự án. Nhiều chủ đầu tư còn hạn chế trong chỉ đạo điều hành. Người đứng đầu các cơ quan thiếu quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Quyết tâm cao, giải pháp linh hoạt
Tại Công điện số 307/CĐ-CP ngày 8/4 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các bộ và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA nói riêng; coi nhiệm vụ giải ngân vốn ODA là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ODA, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Các địa phương không giải ngân hết vốn đầu tư công thì sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, không được bố trí lại sau này, đó là cảnh báo của Bộ KH&ĐT sau khi kiến nghị của các địa phương về việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 hay trả lại vốn ODA năm 2021 để bố trí lại bị bác bỏ.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác.
“Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý. Đồng thời cho rằng, trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phải rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy kết quả giải ngân vốn ODA, cần sự quyết tâm của các bộ ngành, thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Cần đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Quyết định số 2109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vay ưu đãi trong giải quyết các vướng mắc cho từng dự án cụ thể cần sự phối hợp liên ngành, vượt quá thẩm quyền của bộ, ngành và địa phương; tổ chức họp định kỳ giữa Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vay ưu đãi với nhóm 6 Ngân hàng Phát triển nhằm nhận diện các vướng mắc từ cả hai phía để cùng có các giải pháp, kế hoạch thực hiện phù hợp…); thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán với các hạng mục công trình đã hoàn thành, không để dồn cuối năm; Bố trí đủ vốn đối ứng, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục để ký, trao hợp đồng cho các gói thầu.
Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Cơ quan chủ quản, chủ dự án thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát và đánh giá, đặc biệt chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài…
"Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng. Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên chi phí vốn vay nước ngoài tăng lên, cần nhanh chóng hấp thu nguồn vốn này. Việc chậm giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi 2022 sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, làm tăng chi phí dự án, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế..." - Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành