Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ “nút thắt” vốn và thị trường cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp (DN) là thiếu vốn để mở rộng sản xuất - kinh...

Kinhtedothi - Khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp (DN) là thiếu vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh (SX - KD), thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nhưng trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, những khó khăn này càng trở lên bức thiết được tháo gỡ. Phải tìm được đầu ra cho hàng hóa, cải thiện sức tiêu thụ của người dân thì DN mới dám mở rộng SX - KD, tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.

Khó vay vốn trung và dài hạn

Nhờ có chính sách giảm lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thời gian gần đây, nỗi lo thiếu vốn cho SX - KD đã vơi bớt đi nhiều. Tuy nhiên, với các DN bất động sản, việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là đơn giản, chủ yếu do các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản vốn vay và các điều kiện cho vay. 
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Huy, Khu công nghiệp Thường Tín, Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Huy, Khu công nghiệp Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
 
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX - KD cho DN trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra sáng 12/6, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng cho các DN bất động sản. NHNN cần có chính sách tín dụng - tiền tệ ổn định, tránh tình trạng lãi suất biến động lớn, tình trạng vay vốn lúc dễ, lúc khó ảnh hưởng lớn đến các DN.

Việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn vẫn là vấn đề nan giải của nhiều DN, đặc biệt là điều kiện cho vay phải có tài sản đảm bảo là một vướng mắc muôn thuở. Điều này làm ảnh hưởng tới việc cân đối và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư và SX - KD lâu dài của DN. Về vấn đề này, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương khẳng định, ngành ngân hàng đang rất nỗ lực trong việc miễn giảm lãi suất cho khách hàng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các DN vay vốn. Tuy nhiên, có những quy định cho vay mà NHNN và pháp luật đưa ra thì các ngân hàng buộc phải áp dụng và DN phải tuân thủ khi vay vốn. Bà Sương cũng đề nghị, những DN có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn liên hệ ngay với NHNN chi nhánh Hà Nội để được giới thiệu vay vốn ở các ngân hàng thương mại.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo phản ánh của các DN thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, thực tế hiện nay, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, không dám mở rộng sản xuất, ngay cả khi được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn. "Việc vay vốn thời gian qua thực tế đúng là đã dễ chịu hơn trước, nhưng DN không dám vay vì không bán được hàng. Không mở rộng sản xuất, hàng tồn kho lớn thì vay để làm gì!" - đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội tâm sự.

Do đó, theo các chuyên gia, biện pháp hàng đầu mà TP nên lưu tâm tháo gỡ cho DN là hỗ trợ tìm thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Đồng tình với kiến nghị này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Phạm Quốc Bình cho biết, vấn đề cốt lõi hiện nay là khả năng tiêu thụ sản phẩm của thị trường, nếu kích được cầu thì sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn cho DN và nền kinh tế. Lãnh đạo Sở Tài chính kiến nghị, TP cần tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ DN xuất khẩu mở rộng giao thương tìm kiếm bạn hàng mới bên cạnh các đối tác truyền thống. Thị trường trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng, các DN trong nước cần ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau để thúc đẩy cùng tăng trưởng. 

"Hiện vẫn còn nhiều DN có tâm lý sính hàng nhập khẩu, dù trong nước đã sản xuất được loại hàng đó với chất lượng và giá tốt" - ông Bình trăn trở.Cũng liên quan tới vấn đề thị trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương  Đào Thu Vịnh cho rằng, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các đoàn DN tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến xuất khẩu, TP cần tăng cường tham gia liên kết vùng để giải quyết hàng tồn kho cho DN. Thực tế nhiều năm qua, những chuyến hàng tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung đã giải quyết được một lượng hàng tồn khá lớn. Nhiều DN qua những chuyến bán hàng này đã có cơ hội tìm kiếm được những đối tác, bạn hàng trong nước. 

Một vấn đề nhức nhối cũng đang được nhiều DN phản ánh là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như ăn theo thương hiệu, hàng nhái, hàng giả… càng làm tăng thêm khó khăn cho các DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ uy tín và quyền lợi chính đáng cho DN và người tiêu dùng.