Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ rào cản cho du lịch nông nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) kết hợp làm du lịch trải nghiệm đã mở ra hướng làm ăn mới, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này lại đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều rào cản
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 11 trang trại và 4 HTXNN kết hợp du lịch trải nghiệm. Qua hoạt động thực tiễn, các đơn vị này đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với mô hình sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Bình quân doanh thu trang trại du lịch năm 2020 trên địa bàn Hà Nội đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp ở các trang trại, HTXNN vẫn mang tính tự phát, manh mún, không có quy hoạch nên lượng khách còn ít; cơ sở hạ tầng lưu trú chưa được đầu tư bài bản. Một điểm yếu nữa chính là lực lượng lao động làm việc trong các đơn vị này thiếu kiến thức và kỹ năng. “Ngoài yếu tố chủ quan từ chính những chủ thể làm du lịch còn có các rào cản lớn từ chính sách, cơ chế, hạ tầng nông thôn” – bà Hoàng Thị Huyền chia sẻ.
 Vườn sinh thái Hoa Bay Phúc Thọ. Ảnh: Phương Nga
Giám đốc Vườn sinh thái Hoa Bay (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) Nguyễn Đức Minh cho biết, tổng diện tích của vườn sinh thái là 3ha, trong đó có 2ha đất sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu. Do vậy, tính pháp lý chưa cao, thời gian thuê đất ngắn, chỉ có 5 năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân bỏ ruộng hoang nhưng khi các chủ trang trại muốn mua, thuê lại thì gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. “Thời gian thuê đất ngắn nên tôi chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài” – ông Minh bộc bạch.

Chia sẻ thêm về những khó khăn này, Phó Giám đốc HTX Việt Doanh (Mê Linh) Bùi Văn Hiệp cho biết, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng phát triển du lịch nông nghiệp, mỗi ngày đón hàng trăm khách đến trải nghiệm. Tuy nhiên, do hệ thống đường giao thông chật hẹp, thiếu đồng bộ nên những đoàn khách lớn khó vào tận tơi. Ngoài ra, phần lớn các chủ trang trại đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay vốn.

Gỡ khó từ chính sách

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để các trang trại, HTX nông nghiệp hoạt động kết hợp du lịch hiệu quả, đúng quy định pháp luật, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, HTX. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chủ trang trại, HTX yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước.

Nhà nước cũng cần xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn để các trang trại, HTX sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ du lịch, lưu trú đúng mục đích, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh việc tháo gỡ về chính sách, các địa phương cần quy hoạch, hỗ trợ trang trại, HTXNN, xác định thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Cùng với đó, hỗ trợ kết nối với tour du lịch của các DN lữ hành để phát triển đa dạng tuyến du lịch nông nghiệp, nông thôn.

"Hiện công tác quản lý Nhà nước về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế, nhiều trang trại, HTXNN hoạt động du lịch có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông thôn nhưng các địa phương chưa đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ cho loại hình này phát triển, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường