Bảo vệ môi trường Theo thạc sĩ Quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh, trước tình trạng môi trường sống tại các đô thị đang chịu sức ép ngày càng lớn về ô nhiễm, khí thải, xu thế thay đổi từ VLXD truyền thống sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường được coi là yêu cầu cấp thiết đối với ngành xây dựng. Nhiều loại VLXD xanh đã được khuyến khích sử dụng nhưng phổ biến nhất là VLXD không nung. Nguyên liệu sản xuất được lấy từ các phế thải công nghiệp, có khả năng tái sử dụng và dễ tiêu hủy sau khi không còn công năng. Các loại vật liệu xây không nung đang được ưa chuộng trên thị trường như sản phẩm bê tông khí, bê tông bọt, gạch bê tông, gạch lỗ không nung tấm tường Acotec, tấm 3D...
Sản xuất và sử dụng VLXD xanh góp phần tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính – nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Thái Duy Sâm |
Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho biết thêm, sử dụng VLXD không nung được xem là giải pháp để phát triển bền vững, đặc biệt là tại các TP có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Vấn đề này đã được kiểm chứng tại các nước phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trong thực tế vẫn còn khó khăn, kết quả đạt được còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Thêm – Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Gạch không nung Lengtech tại Hà Nội cho hay, vấn đề sản xuất VLXD không nung đang gặp rào cản do kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất cao, tâm lý người tiêu dùng chưa mặn mà. "Nhiều DN hiện nay chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng, chứ không thể sản xuất đồng loạt rồi mới marketing trên thị trường, vì một số sản phẩm chỉ phù hợp với công năng riêng biệt của những công trình khác nhau nên không dễ dàng tiêu thụ" - bà Thêm nói.
Thực tế, hiện nay mới chỉ có khoảng 20% công trình xây dựng sử dụng sản phẩm VLXD không nung. Anh Nguyễn Hoàng Bắc (trú tại Bằng A, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) - cai thầu xây dựng cho biết, mỗi năm anh nhận thi công từ 30 – 40 công trình nhà ở và công trình xây dựng dân dụng khác. Đáng nói, 100% công trình đều được gia đình và tổ chức, cơ quan lựa chọn VLXD truyền thống. Anh Bắc cho rằng, sản phẩm VLXD truyền thống có giá thành rẻ hơn nhiều so với VLXD không nung và quan trọng hơn việc tìm kiếm các đơn hàng, đặt hàng loại VLXD này đơn giản hơn, do thị trường có rất nhiều nhà cung cấp.
Đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thứcTheo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 40% vật liệu xây không nung trên tổng số vật liệu xây. Sau 7 năm thực hiện, tổng lượng vật liệu xây không nung đã sản xuất được khoảng 24 tỷ viên QTC (quy tiêu chuẩn); góp phần tiết kiệm khoảng 1.800ha đất; 3,6 triệu tấn than và giảm phát thải 13,7 triệu tấn khí nhà kính – CO2 .
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Thái Duy Sâm, để việc sản xuất và sử dụng VLXD xanh đạt được kết quả như kỳ vọng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như đầu tư đổi mới công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu. Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. “Việc cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về lợi ích, ưu nhược điểm, những kết quả, bài học thành công và không thành công trong việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm VLXD xanh sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều hơn đối với sản phẩm này. Từ đó, các mô hình sản xuất sẽ được mở rộng để dần thay thế các loại VLXD truyền thống” - ông Thái Duy Sâm nói.