23 cơ chế, chính sách
Trong cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô, Trưởng ban Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết: Đề án nhằm phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý. Dự án phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50 - 55%, sau năm 2023 đạt 65 - 70%.
Cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô ngày 7/6 |
Cụ thể, đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác 96,8km ĐSĐT (chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT). Đến năm 2035, mục tiêu hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác 301km (chiếm khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT). Các tuyến ĐSĐT bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và Quy hoạch Thủ đô sẽ hoàn thành đến năm 2045.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh đây là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại TP Hà Nội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để triển khai thực hiện các dự án ĐSĐT, Đề án đã đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách: về quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; huy động vốn… Trong đó, đề xuất cho phép TP quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập.
Đồng thời, đề xuất cho phép TP quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh hưởng trong các dự án ĐSĐT của Thủ đô và tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn …
Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để thực hiện Đề án cần sự nỗ lực rất lớn, phải nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, phạm vi quy mô, thứ tự ưu tiên cũng như huy động nguồn vốn để đạt mục tiêu. Mặt khác, cũng cần làm rõ tính đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính kết nối để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của cả hệ thống chạy song song và đồng bộ.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng thống nhất cần rà soát về cơ sở pháp lý, hệ thống pháp luật, cần làm rõ hơn những vướng mắc về căn cứ pháp luật để triển khai thực hiện Đề án.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá lại quy hoạch kết nối căn cứ theo nhu cầu phát triển xã hội; những ưu tiên đầu tư và thời gian thực hiện có đáp ứng được thực tiễn và khả năng. Đặc biệt, cần rà soát đánh giá toàn bộ những khó khăn, bất cập của những dự án đã triển khai để rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Về kỹ thuật công nghệ, các đại biểu thống nhất phải nghiên cứu, lựa chọn mô hình, công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp. Trong đó, cân nhắc khả năng làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành khi thực hiện Đề án.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, làm rõ thêm những nội dung các đại biểu quan tâm và mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp để cùng Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đây là một lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều chuyên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Tổ công tác cần phân tích kỹ các ý kiến của các Bộ, ngành để sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổ công tác xây dựng Đề án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đề nghị, trên cơ sở 7 nhóm với 23 cơ chế chính sách, cần rà soát lại từng chính sách về căn cứ pháp luật, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đồng thời, đánh giá tính phù hợp với thực tiễn, có xung đột với luật, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời, phân loại các chính sách để trình các cơ quan có thẩm quyền; rà soát lại kết cấu Đề án, hoàn thiện nội dung đảm bảo chất lượng, khả thi, hiệu quả để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Tổng số vốn Hà Nội cần huy động để xây dựng ĐSĐT đến năm 2045 khoảng 66,384 tỷ USD, trong đó, TP có thể huy động được 57,770 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ 8,614 tỷ USD.
Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc: Các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.